Cúng ông Táo vào ngày 23 tháng chạp âm lịch là phong tục tập quán của người Việt ta mỗi dịp Tết đến, xuân về. Vào ngày này, người người nhà nhà đều chuẩn bị mâm lễ cúng gồm nhiều món ăn, lễ vật khác nhau để tiễn đưa ông Táo về Trời.
Tục lệ cúng ông Táo của người Việt
Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, Thần Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần là Thổ Địa, Thổ Công, Thổ Kỳ với sự tích “2 ông 1 bà”. Dân gian hay thường gọi là Táo Quân hay ông Táo, bà Táo.
Ba vị thần tiên mỗi người mang nhiệm vụ khác nhau nhưng điểm chung là đều được Ngọc Hoàng phái xuống nhân gian cai quản các gia đình. Thổ thần thổ địa cai quản đất đai âm trạch, long mạch. Thổ công táo quân quán xuyến chuyện sinh hoạt, bếp núc của gia đình và là vị thần sẽ dâng tấu sớ lên Ngọc Đế. Thổ kỳ là vị thần trông coi việc mua bán hàng hóa, đồ ăn thức uống trong nhà.
Tương truyền rằng vào ngày 23 tháng chạp âm lịch, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép hóa rồng về Trời để trình tấu sớ, bẩm báo với Ngọc Hoàng về những chuyện của gia đình trong một năm qua. Dân gian xem đây là một ngày trọng đại bởi Táo Quân sẽ là vị thần quyết định một năm sắp tới thịnh hay suy của gia đình.
Vì thế vào ngày này, các gia đình đều chuẩn bị lễ vật, mâm cơm cúng sao cho thật thịnh soạn, linh đình để tiễn đưa ông Táo. Qua đó gửi gắm ông Táo lời cầu mong một năm mới may mắn, an lành, mọi chuyện suôn sẻ.
Xem thêm: Cúng rằm tháng giêng cần chuẩn bị những gì để may mắn cả năm
Mâm cơm cúng ông Táo gồm những gì?
Một trong những mâm lễ không thể thiếu khi cúng tiễn ông Táo là mâm cơm cúng. Mâm cơm cúng đầy đủ sẽ thể hiện ước muốn của gia đình cho một năm sắp tới. Tuy nhiên không nhất thiết phải chuẩn bị mâm cơm quá tốn kém, cầu kỳ. Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình, mâm cơm có thể đơn giản hơn, gồm vài món mặn hay món chay, miễn sao thể hiện lòng thành là được.
Tháp Long Thọ gợi ý mâm cơm mặn đầy đủ để cúng ông Táo như sau:
- 1 con gà trống luộc: Gà luộc nguyên con, chéo cánh ngậm hoa. Nếu không có thể thay thế bằng 5 lạng thịt lợn luộc)
- 1 đĩa xôi gấc (ngày nay nhiều người còn thay thế bằng xôi nếp cẩm, xôi lá nếp, xôi đậu)
- 1 đĩa giò lợn
- 1 cái bánh chưng
- 1 bát canh chân giò nấu măng (hoặc các loại canh khác đều được)
- 1 đĩa rau xào thập cẩm
- 1 đĩa chả rán
- 1 đĩa thịt nấu đông
- 1 bát gạo đầy
- 1 bát muối trắng
Ngoài ra, gia đình có thể chuẩn bị thêm chè như chè trôi nước, chè kho, các loại bánh ngọt, trái cây,… để mâm cơm thêm phần sum vầy, đẹp mắt.
Mâm lễ vật cúng ông Táo cần chuẩn bị gì?
Bên cạnh mâm cơm cúng, mâm lễ vật là mâm cỗ không thể thiếu trong nghi thức cúng ông Táo 23 tháng chạp. Mâm lễ vật mỗi vùng miền sẽ có sự khác nhau do sự khác biệt về quan điểm cúng ông Táo. Người Bắc thường chuẩn bị 3 con cá chép sống trong chậu, sau khi kết thúc lễ cúng thả cá xuống ao. Việc làm này xuất phát từ quan niệm thần Táo Quân di chuyển từ hạ giới về thiên đình bằng cá chép. Do đó họ chuẩn bị “cá chép hóa rồng” đưa các Táo về Trời. Người miền Nam thì dùng cá chép giấy, người miền Trung lại chuẩn bị ngựa giấy.
Dù có đôi chỗ khác nhau nhưng nhìn chung mâm lễ vật sẽ bao gồm những thứ cơ bản như sau:
- 3 chiếc mũ ông Táo: gồm 2 cái có cánh chuồn dành cho Táo ông và 1 cái không có cánh chuồn cho Táo bà.
- 3 bộ quần áo giấy: 2 bộ nam và 1 bộ nữ
- Hài (giày) cho Táo: 2 đôi hài nam và 1 đôi hài nữ
- Tiền vàng mã
- 1 đĩa trầu cau nhỏ
- 1 lọ hoa cúc
- 1 đĩa trái cây tươi
- Rượu hoặc trà
- Hương
- Nến.
Văn khấn cúng tiễn ông Táo
Sau khi chuẩn bị mâm cơm và mâm lễ vật, gia đình bắt đầu nghi thức cúng tiễn đưa ông Táo. Gia chủ trong gia đình vệ sinh thân thể sạch sẽ, xúc miệng bằng rượu. Sau đó thực hiện nghi thức thắp nhang, vái lạy sao cho đúng lễ nghi.
Trong thời gian thực hiện lễ cúng, gia đình có thể đọc bài văn khấn tiễn đưa ông Táo mà Tháp Long Thọ chia sẻ dưới đây:
“Kính lạy Thượng Đế.
Kính lạy Ngũ Đế. Đông phương Thanh Đế, Nam phương Xích Đế, Tây phương Bạch Đế, Bắc phương Hắc Đế, Trung ương Hoàng Đế.
Kính lạy các vị đại tiên.
Kính lạy: Thượng đàm thần tướng thiên thiên tướng. Trung đàm thần tướng thiên thiên binh.
Hạ đàm thần tướng thiên thiên mã.
Kính lạy sơn thần, long thần, thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ, thần tài hạ đàn chứng giám
Hôm nay là ngày 23 tháng chạp năm… Là ngày thần Táo quân về trời tấu sớ. Tín chủ con tên là… sinh ngày… tháng… năm… nguyên quán… địa chỉ thường trú… với tấm lòng thành kính con xin sửa soạn lễ vật, cùng sơn hào hải vị, tiền vàng, nhang đăng thỉnh cầu kính mời Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị Đại Tiên, các vị Thần Tướng, Thiên Tướng, Thiên Binh, Thiên Mã, cùng chư vị thần tiên trên trời dưới đất, chứng giám cho con được làm lễ tiễn thần Thổ Công Táo Quân về trời tấu sớ lên Ngọc Hoàng Đại Đế.
Kính lạy Sơn Thần, Long Thần, Thổ thần thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ hạ đàn chứng lễ.
Trong năm qua nhờ ân phúc của Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị Đại Tiên và các Ngài mà chúng con được mạnh khoẻ, hạnh phúc, vận khí hanh thông mọi việc đều như ý.
Nay con làm lễ với tấm lòng thành kính biết ơn và xin được tiễn chư ngài về trời tấu xin Thượng Đế, Ngũ Đế, cùng chư vị Thần Tiên, toàn gia quyến chúng con xin vô cùng cảm tạ ân đức của Thượng Đế cùng chư ngài đã che chở cho chúng con trong suốt năm qua.
Nay kính mong Thần Táo Quân gợi ý lên Tam Thanh Ngọc Hoàng Đại Đế cầu xin Thượng Đế khai ân minh xét để sang năm mới Canh Tý 2020, đất nước con được thái bình, quê hương con được giàu đẹp, gia tộc và gia đình con luôn được mạnh khoẻ hạnh phúc, an khang thịnh vượng, vận khí hanh thông, vạn sự như ý.
Con cầu xin Thượng Đế, Ngũ Đế các vị Đại Tiên, cùng chư ngài chứng giám cho tấm lòng thành kính của chúng con.
Kính chúc Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị Đại Tiên cùng chư ngài thiên thiên tuế. Con xin tỏ lòng biết ơn và xin đa tạ.
Con xin đa tạ, con xin đa tạ, con xin đa tạ!”
Xem thêm: Thắp hương nên thắp mấy nén nhang
Cúng ông Táo vào thời gian nào?
Cúng ông Táo vào thời gian nào sẽ mang lại nhiều điều tốt lành cho gia đình? Đây là câu hỏi mà nhiều gia đình quan tâm, bởi ai cũng mong muốn Táo Quân mang đi những điều không may trong năm cũ, đem lại nhiều điều tốt đẹp cho gia chủ.
Theo phong thủy, ngày 23 tháng chạp là ngày Kỷ Mùi, gia đình có thể cúng ông Táo vào khung giờ 5 giờ – 7 giờ hoặc 9 giờ – 11 giờ.
- Thời điểm từ 5 giờ – 7 giờ sáng ngày 23 là giờ Mão – giờ Đại An, cúng vào giờ này sẽ mang lại sức khỏe tốt lành, bình an cho gia đình.
- 9 giờ – 11 giờ là giờ Tỵ – giờ Tốc Hỷ, cúng vào thời gian này sẽ mang lại nhiều điều may mắn, vui vẻ trong năm mới.
Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có thể tiến hành cúng ông Táo vào đúng thời gian như trên. Do đó, tùy vào thời gian của mỗi gia đình có thể cúng vào buổi trưa hoặc chiều tối ngày 22 tháng chạp đều được. Nhưng nếu được thì tốt nhất gia đình nên sắp xếp lễ cúng ông Táo trước 12 giờ trưa ngày 23 hoặc từ 11 giờ đến 13 giờ.
Những lưu ý khi cúng ông Táo
Cúng ông Táo là lễ cúng không còn quá xa lạ với người Việt ta. Nhưng không nên vì vậy mà tổ chức lễ cúng sơ sài bởi sẽ vô tình làm phật ý thần tiên, gây ra những điều không may cho gia đình.
Một vài lưu ý khi cúng ông Táo mà gia đình cần biết để thực hiện lễ cúng một cách tốt nhất:
- Bàn thờ nên được lau dọn sạch sẽ, bố trí hợp lý. Bát hương thờ Ông Công, ông Táo nên đặt ở giữa, vị trí to và cao nhất. Bên phải sẽ là bát hương gia tiên, thấp hơn ở bên trái là thờ bà cô, ông cậu,… trong gia đình.
Xem thêm: Hướng dẫn cách bốc bát hương Thổ Công
- Đồ thờ cúng cần phải được rửa sạch trước khi bày biện lên bàn thờ.
- Mâm cơm cúng và mâm lễ vật có thể đặt ở dưới bếp hoặc đặt ở bàn thờ gia tiên đều được. Tuy nhiên dù lựa chọn vị trí nào, gia đình cũng nên chọn nơi trang nghiêm, sạch sẽ.
- Khi hương đã cháy hết một nửa, gia đình có thể mang lễ vật cúng đi hóa, cấ chép đi thả sông.
- Không nên cầu sung túc, phú quý cho gia đình mà nên bẩm báo những điều xảy ra trong gia đình một năm qua. Nên nói giảm những điều không hay, bấm báo điều tốt.
Cúng ông Táo không chỉ là lễ cúng tiễn đưa ông Táo về trời mà còn mang nhiều ý nghĩa khác, là nét văn hóa đặc trưng của người Việt Nam từ xưa đến nay. Trải qua bao đời, văn hóa đó vẫn được giữ gìn và lưu truyền cho biết bao thế hệ.
Với những thông tin mà Tháp Long Thọ chia sẻ, mong rằng bạn đọc đã hiểu về tập tục này cũng như có sự chuẩn bị lễ cúng một cách chu toàn nhất. Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn về vấn đề nào, bạn có thể liên hệ với Tháp Long Thọ qua hotline 0888 000 700 để được nhân viên hỗ trợ nhé.