Tin tức

Những điều cần biết khi đi lễ chùa

những điều cần biết khi đi lễ chùa

Đi chùa lễ phật là nét truyền thống đặc trưng của Việt Nam ta. Mỗi năm có hàng nghìn hàng vạn người đi lễ chùa, nhưng có những quy tắc mà ngay những người theo đạo phật cũng có thể chưa biết. Cùng Tháp Long Thọ tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Chùa là nơi thờ Phật, bắt nguồn từ chữ Thù pa (tiếng Pali) hay là Stupa (tiếng Sansrit) Ấn Độ. Chùa gắn liền với đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt, được phát triển theo thời gian và phân hóa theo không gian.

Chùa Việt Nam có chùa làng và chùa nước. Chùa nước thường là những ngôi chùa có lịch sử hình thành và phát triển sớm, có vị trí về phong thủy và phong cảnh đẹp, có quy mô lớn, có giá trị về văn hóa lịch sử tôn giáo và và thường là nơi tu hành của những tăng, ni Phật tử.

chùa một cột việt nam

Chùa làng thường có quy mô nhỏ hơn và là nơi sinh hoạt tâm linh trong làng. Vì vậy, những ngôi chùa thường là những điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách và nhiều tín đồ đến chiêm bái.

Ngôi chùa Việt không những là một kiến trúc tôn giáo biểu hiện cho Phật giáo, tín ngưỡng Việt mà còn mang trong mình biết bao trầm tích của nghệ thuật cùng những giá trị văn hóa của người Việt. Do đó khi đến lễ Phật mọi người cũng cần phải lưu ý một số quy tắc để đảm bảo sự thanh tịnh, tôn nghiêm nơi đây.

Nguyên tắc khi ra vào chùa

Hầu hết mọi người vẫn nghĩ việc ra vào cổng Tam Quan không có quy tắc nào cả. Nhưng thật ra từ thời xa xưa, lúc bước vào hành lễ, đến lúc rời khỏi đều phải đúng theo trình tự, quy củ.

cổng tam quan của chùa

Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan ( bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa và đi ra cũng theo cửa này.

Tác phong khi đi lễ chùa

Để giữ được thanh tịnh chốn linh thiêng, mọi người phải cùng có ý thức về trang phục, tác phong khi đến chùa làm lễ, để tránh những trường hợp gây mất mỹ quan cũng như tôn nghiêm nơi thờ Phật.

Lựa chọn trang phục phù hợp

Khi đến chùa luôn nhớ phải ăn mặc kín đáo, màu sắc giản dị, tránh mặc quần đùi, váy ngắn, áo hở thân đến lễ phật. Còn nếu là Phật tử thì nên mặc áo lam, áo giới đến lễ Phật.

trang phục lễ chùa phù hợp

Nếu là du khách đến tham quan lỡ mặc váy ở một số chùa sẽ được phát cho một miếng vải quấn. Tuy nhiên vẫn nên lưu ý chuẩn bị trang phục phù hợp nếu có ý định đến chùa.

Cách xưng hô với nhà tu hành

Việc xưng hô với các bậc hiền tăng trong chùa cũng cần phải lưu ý, tránh trường hợp tùy tiện gây khó xử và thất lễ với các tăng ni.

Nên dùng Phật danh “A di đà Phật” thay tên gọi để mở lời chào trụ trì và tăng ni trong chùa. Với nhà sư thì xưng là Sư, bạch Thầy,… và xưng mình là Con. Với ni cô thì xưng Sư hoặc Sư cô,…và vẫn xưng mình là con.

Cử chỉ trang nghiêm đúng mực

Khi vào chùa phải đi nhẹ nói khẽ, không cười nói lớn tiếng, không chỉ trỏ, nhà nào có con nhỏ thì cố gắng không để trẻ chạy giỡn quấy phá bàn thờ. Khi khấn vái chỉ khấn thầm trong tâm, chú ý không làm ảnh hưởng đến những người khác cũng đang đi lễ chùa.

Giữ tâm thanh tịnh khi đến chùa

Đến chùa lễ Phật điều quan trọng nhất vẫn là lòng hướng Phật. Bước vào cửa chùa phải rủ sạch mọi tư thù, tạp niệm, một lòng hướng về Tam bảo (Mười phương chư Phật).

luôn giữ tâm thanh tịnh khi lễ phật

Khi cầu nguyện cũng vậy, chỉ nên cầu bình an sức khỏe, không nên cầu danh lợi, tiền tình với các bậc thánh hiền. Bởi vì, có sức khỏe, bình an tự khắc may mắn và tiền tài sẽ đến với bạn.

Sắm lễ vật đi chùa như thế nào?

Nếu bạn muốn dâng lễ thì phải là lễ chay như hoa quả, xôi, chè,… Tuy nhiên cũng phải lựa chọn những loại hoa quả phù hợp để đặt lên bàn thờ. Ngoài ra cũng phải lưu ý không được bày lễ tùy tiện trong chánh điện, phải hỏi trước người của nhà chùa.

Xem thêm: Những loại hoa quả không nên thắp hương

hoa quả lễ chùa

Về việc sắm sửa lễ vật thì luôn luôn là tùy tâm, không có luật lệ nào bắt buộc người dân phải sắm lễ khi đến chùa. Hơn nữa, số lượng người đến lễ chùa vào những dịp quan trọng sẽ rất đông, có thể lên đến hàng nghìn hàng vạn người. Vì thế nên nếu cứ mỗi người một chút lễ thì sẽ vừa không đủ chỗ cúng vừa lãng phí nếu hư hại.

Thay vào đó mọi người nên cúng dường Tam Bảo, vừa giúp đỡ được phần nào chi phí cho nhà chùa vừa không lãng phí, cũng như mang lại nhiều công đức cho bản thân và gia đình.

Những lưu ý khi thắp hương dâng lễ chùa

Ngoài ra trong lúc thắp hương mọi người cũng nên lưu ý một số điều :

  • Không lấy đồ của chùa về làm của riêng như ăn uống hay thụ lộc,…
  • Không thắp hương tùy tiện, đặc biệt là lư hương chính điện vì sẽ làm ảnh hưởng đến pháp khí, sức khỏe của mọi người vì số lượng hương quá nhiều.
  • Nếu đã có hương thắp sẵn rồi thì chỉ nên chắp tay thành tâm khấn vái là đủ.
    Không rải tiền lẻ khắp nơi, đấy là hành động thiếu hiểu biết về việc cúng dường Tam bảo theo truyền thống Phật giáo. Xét về mặt thế tục, đó như một sự hối lộ Phật, Thánh, không đúng với chuẩn mực văn hóa. Xét về mặt mỹ quan, hành động này làm mất sự trang nghiêm, mất sự thành kính, sai giáo lý của đạo Phật.

Vẫn còn nhiều người thắc mắc khi thắp hương thì nên thắp ở đâu trước, và đây là trình tự thắp hương đúng nhất khi đi lễ chùa :

  • Thắp hương tại đỉnh đặt bên ngoài dành cho công chúng.
  • Lễ tại ban Đức Ông: đặt lễ lục cúng, chắp tay hình búp sen, xin phép vào lễ Phật (vì Đức Ông là người kiểm soát tâm thế của kẻ đến chùa, chúng sinh đến với Phật).
  • Phật điện: đặt lễ tại chính giữa Tam bảo, chắp tay hình búp sen, đứng hoặc quỳ, thành tâm cầu khẩn điều an lành.
  • Sau đó đặt lễ ( nếu cần) và lần lượt kính lễ tại Ban Tổ, Nhà Mẫu và Ban Vong.
Đền chùa bị rải đầy tiền lẻ

Qua bài viết trên, mong bạn đã nắm rõ những quy tắc cần biết khi đi lễ chùa, để tránh phạm phải những điều không hay, làm giảm công đức của bản thân. Ngoài ra nếu bạn còn thắc mắc về những lễ nghi tín ngưỡng hay những khía cạnh tâm linh, hãy truy cập webiste thaplongtho.vn để tìm hiểu nhiều thêm nhé!