Tang lễ

Tìm hiểu các nghi thức trong tang lễ đạo Cao Đài

các nghi thức trong tang lễ đạo cao Đài

Nghi thức cầu hồn sẽ được chia làm 2 giai đoạn: khi người thân đang hấp hối và khi họ đã qua đời.

  • Nghi thức cầu hồn khi hấp hối

Để thực hiện nghi thức này, gia đình sẽ thực hiện việc tụng kinh cho người mất. Việc làm này nhằm mục đích cầu nguyện Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng cứu giúp linh hồn của người đang hấp hối được nhẹ nhàng xuất ra khỏi thể xác, được siêu thoát về cõi vĩnh hằng. 

nghi thức cầu hồn trong tang lễ cao Đài
  • Nghi thức cầu hồn khi đã lâm chung

Nghi thức cầu hồn khi người đã mất được thực hiện giống như khi đang hấp hối. Lúc này, ban trị sự sẽ tiến hành đọc kinh cầu nguyện cho người mất. Sau đó, gia quyến hoặc ban trị sự sẽ đến Đền Thánh (nếu người quy vị là Chức Sắc) hay Thánh Thất để báo tử. Đến đây sẽ rung chuông báo tử. 

Việc rung chuông bao nhiêu lần tùy thuộc vào người quy vị là Chức sắc hay các Chức khác. 

Nếu là Chức Sắc thì tùy vào Phẩm Cấp để rung chuông và đánh trống, cụ thể: 

  • Phẩm Giáo Hữu và tương đương: rung 2 hồi chuông và đánh 2 hồi trống.
  • Phẩm Lễ Sanh và tương đương: rung 1 hồi chuông và đánh 1 hồi trống.

Nếu là Chức việc Ban Trị Sự và Đạo Hữu hay các phẩm tương đương thì không đánh trống mà chỉ rung chuông

  • Nam thì đánh 7 hồi chuông
  • Nữ thì đánh 9 hồi chuông

Nghi thức thượng sớ tân cố trong tang lễ Cao Đài

Đây là nghi thức dâng sớ lên Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng để báo cáo về việc có tín đồ Cao Đài mới vừa qua đời, cầu xin Đức Chí Tôn, Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát và các Đấng thiêng liêng cứu độ vong hồn. 

Nghi thức thượng sớ tân cố này có thể thực hiện tại Đền Thánh hay đền Thánh Thất hoặc tại Thiên Bàn nơi tư gia người chết.

nghi thức thượng sớ tân cố trong tang lễ cao Đài

Nếu người chết là Phẩm Chánh Trị Sự hay Đạo Hữu hoặc tương đương thì người chứng đàn cầu nguyện là Chánh Trị Sự hương đạo sở tại.

Người Chết là Phẩm Lễ Sanh hoặc tương đương trở lên thì người chứng đàn cầu nguyện là Đầu Tộc, Đầu Phận Đạo, Khâm Châu Đạo hoặc Khâm Thành Thánh Địa.

Còn những việc khác thì Ban Trị Sự hành lễ theo nghi thức quy định.

Nghi thức tẩn liệm trong tang lễ Cao Đài

Để thực hiện việc tẩn liệm cho người mất theo đạo Cao Đài, gia quyến sẽ thực hiện các việc như sau: 

  • Vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ cho người mất. Việc làm này cũng giống như nghi lễ mộc dục trong tang lễ Phật giáo hay tang lễ Công giáo. Người thân sẽ dùng nước thơm (nước nấu với các loại lá cây có mùi thơm) vệ sinh nhẹ nhàng, sạch sẽ cho người chết. Sau đó thay đồ cho người chết, mặc đạo phục theo phẩm vị và đắp 1 miếng vải trắng hình tam giác trên mặt người chết, bề đứng 33cm và góc nhọn để trên.
  • Quỳ lạy Đức Chí Tôn và cầu nguyện. Sau đó đến chỗ người chết nằm quỳ lạy người chết 1 lần.
nghi thức tẩn liệm trong tang lễ cao Đài
  • Vị chứng đàn và 2 vị hầu lễ đến trước Thiên Bàn cầu nguyện Thầy.
  • Đốt 2 cây nến cho 2 vị hầu lễ cầm, vị chứng đàn bắt ấn Tý đến đứng trước đầu người chết, ra lệnh cho đồng nhi bắt đầu tụng kinh tẩn liệm, tụng 3 lần. Khi niệm xong câu chú của Thầy 3 lần, vị chứng đàn và 2 vị hầu lễ trở lại trước Thiên Bàn xá Chí Tôn, rồi xả ấn Tý và tắt 2 cây nến.
  • Người thân lạy người chết 1 lần nữa, rồi đội tẩn liệm bắt đầu tiến hành liệm xác rồi đưa vào hòm.

Nghi thức tấm phủ quan trong tang lễ Cao Đài

Tấm phủ quan là tấm vải để phủ lên hòm, có 5 màu là vàng, xanh, đỏ, trắng, đen. Thông thường, tấm vải này sẽ có dạng hình vuông với mỗi cạnh là 1m2, 4 mặt đều may ren, chính giữa thêu 1 Thiên Nhãn lớn với 12 ánh hào quang.

Nghi thức tấm phủ quan được thực hiện sau khi hòm được đặt đúng vị trí. Gia quyến sẽ dùng tấm phủ quan đắp lên hòm, tiếp sau là đặt giá đèn lên trên.

Cần lưu ý rằng trước khi đắp tấm phủ quan lên hòm cho người chết, người chứng lễ đem tấm vải này đặt trước Thiên Bàn để cầu nguyện đức Chí Tôn ban ơn cho người chết.

Và để phân biệt người chết là nam hay nữ cũng như để là phân biệt cơ quan, Chức Sắc Cửu Trùng Đài, mọi người sẽ có căn cứ vào màu sắc của tấm phủ quan. 

tấm phủ quan trong tang lễ cao Đài

Phủ Quan màu trắng:

  • Chức Sắc và Chức Việc phái nữ Cửu Trùng Đài
  • Chức Sắc Hiệp Thiên Đài và Ban Thế Đạo

Phủ Quan màu vàng:

  • Chức Sắc Cửu Trùng Đài phái Thái
  • Chức Sắc Phước Thiện từ Phẩm Hiền Nhơn trở lên

Phủ Quan màu xanh:

  • Chức Sắc Cửu Trùng Đài phái Thượng
  • Chức Sắc Phước Thiện nam nữ đeo dây sắc lệnh màu xanh: Chí Thiện, Đạo Nhơn, Chơn Nhơn

Phủ Quan màu đỏ:

  • Chức Sắc Cửu Trùng Đài phái Ngọc, Ban Trị Sự nam phái và các Phẩm tương đương 
  • Chức Sắc Ban Kiến Trúc, Bộ Nhạc
  • Chức Sắc Phước Thiện nam nữ đeo dây sắc lệnh màu đỏ: Thính Thiện, Hành Thiện, Giáo Thiện, Bảo Thể, Đầu phòng văn.

Phủ Quan màu đen: Đạo hữu nam nữ, đạo sở, minh đức, tân dân (Phước Thiện), thư ký, trật tự viên,…

Nghi thức đốt đèn trên và dưới hòm trong tang lễ Cao Đài

Trên giá đèn đặt trên nắp hòm, đốt đủ 9 cây nến, không dư không thiếu và không được để tắt đi. Phía dưới hòm đốt 1 ngọn đèn để khử trược lưu thanh.

Nghi thức lập bàn vong – khay vong – linh vị trong đám tang Cao Đài

Nghi thức lập bàn vong

Gia đình cần chuẩn bị 1 cái bàn đặt trước hòm làm bàn vong. Bàn vong sẽ bao gồm 1 cặp chân đèn, 1 lư hương, 1 dĩa trái cây, 1 bình hoa, 1 chung rượu, 1 chung trà, 1 tấm linh vị, 1 cây đèn, 1 tấm di ảnh có mặc đạo phục, 1 cây phướn Thượng Sanh đặt bên trái phía trong nhà nhìn ra cửa.

Nếu người chết ở Phẩm Lễ Sanh hoặc tương đương thì có thêm cây lộng. Trước bàn vong dán tấm phủ màu trắng ghi chữ ví dụ như: Sanh Ký Tử Qui, Sanh Tiền Giác Ngộ Tam Kỳ Đạo, v.v… Bên cạnh đó dán 1 miếng giấy nhỏ ghi: xin cầu nguyện cho “Phẩm Tước, họ tên người chết, tuổi” để cho người viếng đám cầu nguyện.

Nơi Thiên Bàn cũng dán tương tự như vậy với nam thì dán dưới bình hoa hoặc các chuông, nữ dán dưới dĩa trái cây hoặc cái mõ, để ban đạo cầu nguyện.

nghi thuc lap ban vong – khay vong – linh vi trong dam tang cao dai

Nghi thức khay vong

Gia đình chuẩn bị khay hình vuông để đặt linh vị, dĩa trái cây nhỏ, bình hoa nhỏ, đèn vọng, lư hương nhỏ. Khay hình vuông này được gọi là khay vong, tượng trưng cho vị trí của vong linh. Và khi hành lễ, gia quyến phải luôn đốt 3 cây nhang cắm vào. 

Nghi thức linh vị (bài vị)

Để thực hiện nghi thức này, cần một miếng giấy nhỏ ghi họ tên người chết, phẩm vị, tuổi, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, ngày tháng năm chết, nơi chết, ngày nhập môn cầu Đạo.

Nghi thức cáo từ Tổ – Thành phục – Tang phục

Để thực hiện các nghi thức này, gia đình cần tiến hành các việc như sau: 

  • Chuẩn bị 2 mâm chay gồm 1 mâm cúng Cửu Huyền Thất Tổ, 1 cúng Thần Hoàng Bổn Cảnh. Các mâm cúng này phải có đủ hoa, rượu, nước trà.
  • Đặt đồ tang ngay ngắn trong 1 cái mâm được gọi là mâm tang phục để trước bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ. Trên mâm đốt 2 cây nến. 
nghi thức cáo từ tổ – thành phục – tang phục

Trước tiên, Chức Việc và người nhà đến trước Thiên Bàn cúng Đức Chí Tôn, không đọc kinh, chỉ cầu nguyện cho người nhà thọ tang. Tiếp sau, đến bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ thực hiện lễ cáo từ Tổ. Sau cùng đến bàn vong làm lễ thành phục phát tang. 

Thời gian để tang đạo Cao Đài bao gồm các hình thức để tang như: 

  • Để tang 81 ngày: tới Chung cửu thì mãn tang.
  • Để tang  281 ngày: tới Tiểu tường thì mãn tang.
  • Để tang 581 ngày: tới Đại tường thì mãn tang.

Nghi thức cúng vong Triêu – Tịch

Nghi thức này sẽ có 6 lễ sĩ hiến lễ, mặc áo lễ màu xanh đậm. Việc Tế Điện và 4 bái thài hiến lễ có sự quy định khác nhau tùy Phẩm Cấp của người chết.

Lễ cầu siêu trong tang lễ Cao Đài

Lễ cầu siêu sẽ thực hiện trước bàn vong. Lúc này, tất cả người thân quỳ trước bàn vong. 

Chức Sắc, Chức Việc, chư đồng đạo dự lễ cầu siêu đứng 2 bên bàn vong, phân ra 2 bên nam nữ, tay bắt ấn Tý.

lễ cầu siêu tang lễ cao Đài

Sau lễ cầu siêu, chư đồng đạo vào bái vong. Khi bái vong thì tay bắt ấn Tý, cầu nguyện cho vong linh rồi quỳ lại 3 lạy. Chức Sắc lớn Phẩm hơn người chết thì không lạy vong mà chỉ niệm hương cầu nguyện trước bàn vong. 

Buổi tối tổ chức hòa nhạc trước bàn vong và luân phiên tụng kinh Di Lạc trước Thiên Bàn.

Lễ chèo hầu tại Khách Đình

Lễ chèo hầu tại Khách Đình được quy định trong tang lễ Cao Đài dựa trên phẩm chức của người qua đời: 

  • Phẩm Lễ Sanh chết làm lễ tang tại Khách Đình có chèo hầu vào buổi tối.
  • Các Phẩm Chánh Trí Sự trở xuống không có chèo hầu.

Việc chèo hầu được thực hiện trước hòm người chết ở Phẩm Vị Lễ Sanh làm tăng thêm phần long trọng của tang lễ. 

Đối với Chức Sắc trên Phẩm Lễ Sanh, tức Giáo Hữu trở lên còn có chèo đưa, do vậy nghi lễ càng long trọng hơn nữa. 

Nghi thức hành pháp độ hồn trong lễ tang Cao Đài

Nghi thức hành pháp độ hồn sẽ bao gồm các nghi lễ là phép xác – đoạn căn – độ thăng. Thông thường, gia đình sẽ thỉnh cầu 1 vị Chức Sắc Phẩm Giáo Hữu đến thực hiện cho người chết. 

  • Phép xác

Phép xác là tẩy rửa chơn thần người chết cho hết ô trược để nhẹ nhàng bay đến cõi linh thiêng. 

  • Đoạn căn

Đoạn căn là cắt đứt 7 dây oan nghiệp, không còn ràng buộc chơn thân người chết.

nghi thức hành pháp độ hồn trong lễ tang cao Đài
  • Độ thăng

Độ thăng là đưa âm hồn người chết bay lên Cửu Trùng Thiên (9 tầng trời). 

Chi tiết về các nghi thức này sẽ được vị Chức Sắc Phẩm Giáo Hữu trở lên hướng dẫn.

Cần lưu ý nếu người chết là Chức Sắc Phẩm Giáo Hữu trở lên thì việc hành pháp độ thăng được thực hiện tại Tòa Thánh.

Trường hợp ở xa không có Chức Sắc hành pháp thì cả Chức việc Ban Trị Sự cùng với gia đình tang quyến, bưng khay vong đến cúng trước Thiên Bàn, cầu nguyện Đấng Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng ban ân và tha thứ tội tình cho người chết rồi trở lại bàn vong tụng kinh cầu siêu nối tiếp kinh khi đã chết rồi. Tụng 3 hiệp rồi niệm chú Thầy 3 lần, sau đó động quan đưa linh cữu ra thuyền Bát Nhã.

Lễ Động quan – Khiển điện

Nghi lễ này sẽ có nhạc và lễ. Đầu tiên là thực hiện lễ khiển điện, lễ xướng: 

  • Đạo gia tựu vị
  • Nhơn quan giả bái quan
  • Đạo giả nhập cữu
  • Chấp sự giả triệt linh tọa
  • Đạo giả cử cữu thăng xa phát hành

Lễ an táng tại nghĩa trang

Gia chủ sẽ bưng khay vong đến trước Thiên Bàn xá 3 xá rồi đi theo Phướn Thượng Sanh, tiếp theo sau là linh cữu. Khi đưa ra tới đường lộ thì phải trật tự.

Đám tang của Lễ Sanh và các Phẩm tương đương được sắp xếp theo thứ tự như dưới đây:

  • Bảng Đại Đạo
  • Phướn Thượng Sanh
  • Đồng nhi tụng kinh đưa Linh Cữu, có đàn và tụng cho đến khi đến Huyệt mộ
  • Bàn hương án có 1 lọng và 2 lễ sĩ theo hầu
  • Vãng lụy và tràng hoa
  • Thuyền Bát Nhã
  • Dàn Nam
  • Gia đình tang quyến
  • Chức Sắc – Chức Việc – Đạo Hữu đưa tang

Đám tang của Chức Vị Ban Trị Sự và Đạo Hữu được sắp xếp như sau:

  • Khay Vong
  • Phướn Thượng Sanh
  • Trật tự đưa đám giống như trên nhưng không có Bàn hương án và Dàn Nam

Điếu văn cảm tạ – Hạ huyệt

Khi đến nghĩa trang, đặt hòm kê trên huyệt. Vị chủ lễ đến trước linh cữu, trải chiếu và bày mâm cúng Thần Hoàng Bổn Cảnh. Gia đình tang quyến quỳ lại cầu nguyện xin gửi thi hài người chết tại đây. Rồi lạy 3 lạy.

Thân bằng quyến thuộc đọc điếu văn và lời cảm tạ (nếu có). Gia đình tang quyến quỳ trước đầu huyệt, tay bắt ấn Tý, đồng nhi bắt đầu tụng kinh Hạ huyệt – 3 lần, tiếp sau đó đọc vãng sanh thần chú 3 lần rồi lại niệm câu chú của Thầy 3 lần.

Vị chủ lễ đúng ngang hòm, xá 3 xá rồi thu hồi tấm phủ quan giao cho đội đạo tỳ. Đội đạo tỳ bắt đầu tiến hành hạ hòm xuống huyệt.

Kết thúc tang lễ Cao Đài

Sau khi thực hiện các nghi thức trên, tang lễ Cao Đài có thể được xem như đã kết thúc. Ngoài ra, đạo Cao Đài còn một số nghi thức sau đám tang như sau:

  • Tuần cửu – Tiểu tường – Đại tường – Xả Tang
  • Nghi Tiết Tang Lễ Hàng Thiên Thần
  • Nghi Tiết Tang Lễ Hàng Nhơn & Địa Thần

Bên cạnh đó còn có những trường hợp khác như sau:

  • Tang Lễ Của Đạo Hữu Giữ Lục Trai
  • Tang Lễ Bạt Tiến
  • Trường hợp khác: Tự tử – Sét đánh – Nhi đồng

Trên đây là những thông tin về các nghi thức trong tang lễ Cao Đài mà Tháp Long Thọ chia sẻ đến bạn. Có thể thấy, tang lễ của đạo Cao Đài khá phức tạp, gồm nhiều nghi thức khác nhau cần thực hiện. Trong lúc tang gia bối rối không tránh khỏi việc tổ chức tang lễ chưa chu đáo, xảy ra sai xót. Do vậy, gia đình có thể sử dụng dịch vụ tang lễ để được hỗ trợ tổ chức đám tang thật suôn sẻ và chu đáo nhất.