Phong tục hỏa táng rồi thủy táng trên sông Hằng của người Ấn Độ theo đạo Hindu được xem là một nghi lễ truyền thống. Vì họ cho rằng cái chết là sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời và họ tin rằng sông Hằng sẽ đưa họ đến miền cực lạc. Hãy cùng Tháp Long Thọ tìm hiểu phong tục hỏa táng của người Ấn Độ diễn ra như thế nào nhé!
Phong tục hỏa táng của người Ấn Độ
Ấn Độ là nơi sinh trưởng của bốn tôn giáo quan trọng nhất trên thế giới hiện nay, bao gồm Ấn Độ giáo (Hindu), Phật giáo, đạo Jaini và đạo Sikh. Trong đó, đạo Hindu chiếm tới hơn 80% dân số của Ấn Độ và là tôn giáo chính của đất nước này, gần giống với đạo Phật ở Việt Nam. Cái nôi của đạo Hindu nằm ở thành phố Varanasi, bên bờ sông Hằng thiêng liêng, là nơi người dân theo đạo Hindu thực hiện tục lệ hỏa táng cho người chết.
Tục hoả táng của người Hindu là nghi thức thiêu xác người chết thành tro rồi đem rãi xuống sông Hằng với mong muốn cho linh hồn được siêu thoát, trở thành thói quen ăn sâu vào đời sống xã hội được con người Hindu công nhận và làm theo. Với nghi thức hỏa táng này, người Ấn Độ tin rằng người chết linh hồn sẽ được bay lên thiên đường và siêu thoát.
Theo tôn giáo này, có ba con đường có thể kết thúc được vòng nghiệp chướng luẩn quẩn của con người:
- Thứ nhất, dành tình yêu cho bất cứ nam thần hay nữ thần Hindu nào
- Thứ hai, tăng sự hiểu biết qua việc suy ngẫm về Brahman (Thiên Phạm )… để ý thức được rằng mọi hoàn cảnh trong đời sống không phải là hiện thực, bản ngã là ảo tưởng và chỉ có Thiên Phạm mới là hiện thực
- Thứ ba, chuyên tâm với các nghi thức lễ nghi tôn giáo khác nhau.
Có thể nói, chính con đường thứ ba đã góp phần hình thành nên phong tục hoả táng của người Hindu trên đất nước Ấn Độ đầy huyền bí (theo trích dẫn từ Wikipedia).
Ý nghĩa của phong tục hỏa táng của người Ấn Độ
Phong tục hoả táng của người Hindu giáo ở Ấn Độ có một ý nghĩa sâu sắc gắn liền với quan niệm của tôn giáo này. Vì người Hindu tin rằng nếu một ai đó được hỏa táng tại Varanasi, sau đó tro của người chết được rải trên dòng sông Hằng và những nghi thức đưa tang cuối cùng được tiến hành trên những bậc đá bên dòng sông Ganges thì linh hồn người đó sẽ siêu thoát khỏi những sự trầm luân của chu kỳ sống và chết.
Thân xác họ trở về với sông Hằng linh thiêng, còn phần hồn của họ thì trở về với Ðại Ngã. Nó thể hiện quan điểm luân hồi, là thừa nhận hiện tượng thành, trụ, hoại và diệt của thế giới hiện tượng theo chu kì. Cùng với nó, người ta thấy một sự đánh giá rất cao của cội nguồn, được xem là thanh tịnh. Đối với họ, thả tro trên dòng sông Hằng như tìm đến sự linh thiêng, tiềm ẩn một sức mạnh nội tại, một khả năng siêu nhiên và một suối nguồn cảm xúc vô tận mà con người thường mơ ước đến.
Theo Hindu giáo, dòng sông này là nơi lưu xuất các nhánh sông thiêng, là một vị nữ thần có khả năng tịnh hóa mọi sự ô nhiễm của đời sống trần tục, và nó cũng được ví như một bà mẹ với thần lực diệu kỳ mà các bộ thánh kinh Vêda hằng tôn vinh và ca ngợi. Người thân vây quanh cất vang lời cầu nguyện cho linh hồn sớm siêu thoát. Họ không khóc lóc, đau xót hay vật vã. Bởi theo quan niệm của người Ấn Độ, thi thể sau khi thiêu thành tro cốt được rải khắp mặt sông sẽ khiến linh hồn được thanh lọc, được rũ bỏ những tội lỗi xưa, thoát khỏi bể khổ tái sinh luân hồi và sớm siêu thoát tới cõi vĩnh hằng.
Qui trình hỏa táng trên sông Hằng
Quy trình hỏa táng của người Ấn Độ được thực hiện như sau:
- Tắm cho người đã mất
- Hỏa thiêu thi thể
- Rải tro cốt xuống sông Hằng
“Tắm” cho người đã mất
Người Hindu giáo sau khi qua đời, người thân và gia đình sẽ mang thi thể đến bên bờ sông Hằng để tiến hành các nghi thức hỏa táng rồi thủy táng.
Đầu tiên, thi hài người mất sẽ được “tắm” qua bằng nước sông Hằng và chà xát với bơ làm từ sữa trâu lên thi thể theo tín ngưỡng tôn giáo.
Tiếp đó, người ta còn bôi một loại dầu đặc biệt lên thân người đã mất để hạn chế mùi sinh ra khi đốt. Người thân sẽ đi vòng quanh thi hài nói lời vĩnh biệt lần cuối.
Hỏa thiêu thi thể
Manikarnika và Harishchandra là hai bên sông chủ yếu dùng để tiến hành nghi thức hỏa thiêu từ nhiều thế kỉ nay. Sau khi được tắm qua nước sông Hằng và bôi bơ, dầu đặc biệt, thi thể sẽ được bọc trong một “quan tài” đặc biệt. Đó là vải màu vàng (hay bạc) cùng với các vật dụng đặc trưng của tín đồ Hindu giáo.
Tùy theo xuất thân và hoàn cảnh gia đình của người mất, gỗ trầm và đàn hương sẽ là sự lựa chọn tương ứng cho phù hợp. Những loại gỗ thơm đặc biệt sẽ dành cho những người giàu có và địa vị cao. Nhiều người nghèo không có tiền mua củi thì thi thể sẽ được thả thẳng xuống sông.
Tiếp đến, thi hài được đặt trên đống củi to lớn, vuông vức rồi mới tiến hành hỏa thiêu. Vì người Ấn cho rằng, làm như thế này sẽ giúp linh hồn người đã khuất bay lên được đến thiên đường. Nếu người chết là đàn ông sẽ được đặt nằm ngửa còn là phự nữ thì sẽ đặt úp mặt nằm sấp xuống. Người châm lửa phải là trưởng nam trong gia đình. Mọi việc được thực hiện dưới sự giám sát của các Dom (là bộ tộc chuyên nhận việc thiêu xác chết).
Theo đạo Hindu, một số trường hợp người chết không được thiêu như trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị rắn hay hổ mang cắn… Những người chết do tai nạn hoặc tự sát sẽ phải hỏa thiêu bằng lò điện.
Theo truyền thống, phụ nữ không được tham dự trong lúc hỏa táng, nhằm tránh xuất hiện những giọt nước mắt. Vì người ta quan niệm rằng nước mắt sẽ làm linh hồn người chết vấn vương, khó dứt bỏ trần thế để siêu thoát. Trước đây có tình trạng phụ nữ nhảy vào lửa thiêu để tự sát vì không kìm chế được xúc động khi phải tiền biệt người thân của mình nên kể từ đó, hạn chế hoặc không cho nữ giới xuất hiện trong lúc hỏa thiêu thi hài.
Trong lúc hỏa táng, các thầy tu sẽ mặc trang phục áo vàng làm lễ cầu nguyện, mong muốn linh hồn của người chết nhanh chóng buông bỏ thân thể mà về nơi cực lạc. Đội thiêu xác phải luôn túc trực và chịu trách nhiệm đảm bảo ngọn lửa cháy đều và rực nhất. Thông thường phải mất 4-5 tiếng thì xác chết mới thành nắm tro tàn.
Trường hợp khi thiêu mà hộp sọ của người chết vang tiếng nổ thì có nghĩa là gia đình của họ luôn gặp may mắn, người chết đã được lên thiên đàng, ngược lại, nếu hộp sọ chưa nổ, sau khi hết lửa, người đại diện đưa tang sẽ là người đập vỡ hộp sọ ấy.
Rải tro cốt xuống sông Hằng
Tín đồ Hindu cho rằng, ma chay là một dịp để ăn mừng bởi người chết luôn tin rằng kiếp sau họ sẽ được hạnh phúc hơn, sống sung túc hơn. Sau khi hoàn tất thủ tục hỏa táng, tất cả tro, cốt, và quần áo của người chết được trải xuống sông Hằng. Mọi tội lỗi của người chết được xoá bỏ. Nếu xác chết chưa cháy hết cũng được thả xuống sông với những mảnh xương hay bộ phận còn sót lại.
Bên cạnh vấn đề duy trì tín ngưỡng cho người theo đạo Hindu, ngày nay sông Hằng đang thực sự trở nên ô nhiễm nặng nề ảnh hưởng tới người dân do phong tục hỏa táng rồi thủy táng.
Hỏa táng là nguyên tắc căn bản trong đạo Hindu bởi nhờ đó linh hồn được gột rửa và giải phóng khỏi thân xác. Đặc biệt, sông Hằng như “cánh cửa” dẫn lối. Dù nghèo hay giàu, hỏa táng trên sông Hằng sẽ giúp họ thoát khỏi vòng luân hồi, chuyển sang một kiếp mới. Hy vọng bài viết trên của Tháp Long Thọ có thể giúp quí bạn đọc hiểu rõ hơn về phong tục hỏa táng của người Ấn Độ!