Tin tức

Đi chùa ngày lễ Vu Lan báo hiếu

Đi chùa ngày lễ vu lan báo hiếu

Cứ đến rằm tháng 7 âm lịch hằng năm, người người nhà nhà đều đến chùa mừng lễ Vu Lan báo hiếu – một trong những đại lễ quan trọng của Phật Giáo. Đi chùa nào vào ngày Vu Lan, khi đến chùa cần chuẩn bị gì là những câu hỏi thường gặp. Hãy đọc ngay bài viết sau của Tháp Long Thọ để được giải đáp nhé.

Ý nghĩa việc đi chùa vào ngày Vu Lan

Từ khi Phật Giáo được truyền bá vào Việt Nam, lễ Vu Lan luôn là một trong những ngày lễ lớn thu hút đông đảo Phật tử từ nhiều nơi. Lễ Vu Lan – lễ của những người con báo hiếu được tổ chức để con cái bày tỏ lòng biết ơn, công dưỡng dục của đấng sinh thành.

Có rất nhiều cách bày tỏ lòng biết ơn vào ngày này như chuẩn bị mâm cơm chay cúng ông bà tổ tiên, tặng quà cho cha mẹ, ăn chay,… Hoạt động thường thấy nhất chính là đến chùa thắp hương, cầu nguyện.

Đi chùa lễ vu lan

Đi chùa vào ngày Vu Lan không chỉ để cầu bình an, cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với gia đình thân quyến mà còn nhằm mục đích cầu nguyện cho đấng sinh thành 7 đời trước sớm thoát khỏi cảnh khổ. Với ý nghĩa cao đẹp đó mà rằm tháng 7 âm lịch hằng năm, việc đi chùa dường như trở thành hoạt động phổ biến, một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam ta.

Những ngôi chùa đẹp tổ chức Vu Lan tại TP.HCM

Đi chùa nào vào ngày Vu Lan là điều mà nhiều người tìm kiếm. Hãy lưu lại ngay những ngôi chùa thiêng liêng sau đây mà Tháp Long Thọ giới thiệu đến bạn nhé.

Chùa Vĩnh Nghiêm

Tọa lạc tại quận 3 cách trung tâm Sài Gòn 2km, chùa Vĩnh Nghiêm được xem là một trong những ngôi chùa lớn, nổi tiếng thiêng liêng, là địa điểm hành hương quen thuộc của đông đảo Phật Tử vào các dịp lễ, Tết.

lễ vu lan tại chùa vĩnh nghiêm

Vào ngày Vu Lan, mọi người thường đến chùa Vĩnh Nghiêm làm từ thiện, phóng sinh, cầu bình an, mua hoa sen dâng Phật,… Ngoài ra còn rất nhiều hoạt động ý nghĩa khác.

Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 07, Quận 3.

Chùa Pháp Hoa

Chùa Pháp Hoa là nơi diễn ra rất nhiều hoạt động với quy mô lớn đặc biệt là vào ngày Vu Lan báo hiếu. Được xây dựng từ những năm đầu thế kỉ 20, đây được xem là một trong những ngôi chùa lâu đời, nổi tiếng tại Sài Gòn.

chùa pháp hoa

Với vị trí nằm cạnh kênh Nhiêu Lộc, chùa Pháp Hoa thường có hoạt động thả đèn hoa đăng xuôi theo dòng nước vào ngày Vu Lan. Phật tử đến đây không chỉ có thể thắp hương, cúng dường, cầu nguyện mà còn được tham gia vào hoạt động thả đèn vô cùng ý nghĩa.

Địa chỉ: 870 đường Trường Sa, phường 14, quận 3.

Chùa Hoằng Pháp

Tọa lạc tại huyện Hóc Môn là ngôi chùa đã tồn tại hơn nửa thế kỉ – chùa Hoằng Pháp. Không chỉ là địa điểm tâm linh nổi tiếng, chùa Hoằng Pháp còn nổi tiếng vì là nơi tổ chức các khóa tu cho các Phật Tử, học sinh, sinh viên.

chùa hoằng pháp

Cũng giống các ngôi chùa khác tại Sài Gòn, chùa Hoằng Pháp là một trong những ngôi chùa tổ chức lễ Vu Lan, mở cửa cho các Phật tử đến tham dự.

Địa chỉ: 8 Đường Lê Lợi, Tân Hiệp, Hóc Môn.

Việt Nam Quốc Tự

Việt Nam Quốc Tự là địa điểm không thể bỏ qua khi đi lễ chùa vào ngày Vu Lan. Nổi tiếng bởi sự nguy nga, tráng lệ, không gian rộng rãi, Việt Nam Quốc Tự luôn thu hút đông đảo Phật tử đến viếng.

việt nam quốc tự

Đến Việt Nam Quốc Tự, Phật tử có thể dâng hoa quả, thắp hương cầu nguyện, cầu bình an cho gia đình, đọc kinh cầu siêu,…

Địa chỉ: 244 Ba Tháng Hai, Phường 12, Quận 10.

Những ngôi chùa đẹp tổ chức Vu Lan tại Hà Nội

Lễ Vu Lan tại Hà Nội không có quá nhiều hoạt động như trong miền Nam, tuy nhiên mọi người cũng thường hay đến chùa vào ngày này để cầu bình an, sức khỏe,… Tháp Long Thọ gợi ý đến bạn vài địa điểm sau đây để tới viếng vào dịp lễ Vu Lan báo hiếu.

Chùa Trấn Quốc

Với lịch sử hơn 1500 năm, chùa Trấn Quốc là ngôi chùa lâu đời tại thủ đô Hà Nội, thu hút không chỉ các Phật tử mà còn có du khách trong và ngoài nước đến tham quan, viếng chùa.

chùa trấn quốc hà nội

Vào dịp lễ Vu Lan, chùa Trấn Quốc cũng tổ chức các sự kiện như lễ cầu siêu phả độ cho các gia đình vào ngày 8/7 âm lịch, các buổi tụng kinh, giảng pháp vào rằm tháng bảy, đọc kinh sám hối,…

Địa chỉ: ĐườngThanh Niên, Yên Phụ, Tây Hồ.

Chùa Quán Sứ

Từ 11/07 đến 15/07 âm lịch, Chùa Quán Sứ luôn tấp nập du khách, Phật tử đến thắp hương, dâng hoa quả bánh trái, cầu nguyện cho gia đình. Đây là ngôi chùa cổ nổi tiếng bậc nhất tại Hà Nội.

chùa quán sứ

Các hoạt động tại chùa Quán Sứ thường chia làm 2 đợt. Đợt 1 là các buổi tụng kinh, cúng cô hồn, đọc sớ cầu siêu,… vào mùng 4 – 13/07 âm lịch. Đợt 2 thường diễn ra vào các ngày cuối tháng 7 âm lịch, cụ thể là 18,28,29 với các nghi lễ cầu siêu, cúng tổ tiên,…

Địa chỉ: 73 Quán Sứ, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm

Chùa Phúc Khánh

Một trong những ngôi chùa nổi tiếng thiêng liêng và rất đông Phật tử đến vào dịp lễ Vu Lan tại Hà Nội là chùa Phúc Khánh.

lễ vu lan tại chùa phúc khánh hà nội

Người dân thường đến chùa Phúc Khánh làm lễ, phóng sinh hoặc tham dự các buổi lễ tụng kinh, phả độ gia tiên, cầu siêu,…

Địa chỉ: 382 phố Tây Sơn, Đống Đa.

Những điều nên làm khi đi chùa vào ngày Vu Lan

Ngoài những địa điểm mà Tháp Long Thọ gợi ý đến bạn còn có rất nhiều ngôi chùa khác tổ chức lễ Vu Lan. Vì đây là một buổi lễ lớn, vô cùng thiêng liêng quan trọng, nhiều người sẽ quan tâm cần làm gì vào ngày này. Tháp Long Thọ gợi ý đến bạn vài điều nên làm sau đây.

Chuẩn bị lễ vật

Trước khi đến dâng hương tại các ngôi chùa, bạn có thể sắm sửa lễ vật chay, thường là hoa tươi như hoa sen, hoa mẫu đơn, hoa hồng,..; quả chín là các loại quả như chuối, mãng cầu, thăng long, cam, quýt,…và các loại bánh trái khác. Cần lưu ý không chuẩn bị lễ vật mặn, không để tiền thật hay tiền âm phủ lên mâm lễ vật.

Thành tâm cầu nguyện

Sau khi chuẩn bị lễ vật, Phật tử nên đến chùa để cầu nguyện, thắp hương, cầu xin Đức Phật những điều tốt đẹp cho gia đình như sức khỏe, may mắn, bình an,… Đối với gia đình có người đã mất có thể đến chùa tham dự các buổi tụng kinh cầu siêu, cầu mong người đã khuất sớm được siêu thoát khỏi cảnh đọa đày, sớm được vãn sanh vào cảnh lành. Ngoài ra còn rất nhiều hoạt động khác như phả độ gia tiên, phóng sinh,… Tuy nhiên dù tham dự hoạt động nào, Phật tử hãy thành tâm cầu nguyện, có ý niệm tốt để điều cầu xin được chứng giám và sớm thành hiện thực.

Ăn chay

Ngoài việc đến chùa tham dự lễ Vu Lan, bạn hãy dành thời gian để ăn chay vào ngày naỳ. Ăn chay từ lâu đã được đánh giá là rất tốt, tốt cho sức khỏe, tốt cho môi trường. Ngoài ra, ăn chay còn nhằm mục đích cầu xin cha mẹ mạnh khỏe, bình an.

Một mùa lễ Vu Lan lại đến, hãy dành thời gian để ở bên cạnh gia đình người thân cũng như đến lễ chùa cầu xin những điều tốt đẹp. Đừng quên lưu lại những thông tin và địa điểm mà Tháp Long Thọ chia sẻ đến bạn để đến cầu an vào mùa lễ đặc biệt này bạn nhé.