Từ xa xưa, phúng điếu hay cúng điếu đã trở thành một văn hóa trong đám tang của người Việt. Tùy theo quan điểm của mỗi gia đình mà việc phúng điếu có thể có hoặc miễn. Vậy, phúng điếu là gì? Khi đi cúng điếu người mất có nên gửi tiền hay không? Liệu có những lưu ý nào cần biết trước khi tham dự đám tang và phúng viếng cho người đã mất? Cùng Tháp Long Thọ tìm hiểu ngay trong bài viết ngày hôm nay nhé!
Phúng điếu đám tang là gì?
Phúng điếu còn được gọi là “cúng điếu” hay “chấp điếu”. Theo nghĩa Hán nôm:- Từ “phúng” có nghĩa là lễ vật viếng người chết
- Từ “điếu” là viếng thăm, thăm hỏi và chia sẻ nỗi buồn với tang quyến
Mặc khác ở một số tang lễ, bạn sẽ thấy cáo phó có dòng chữ “Miễn chấp điếu” (hoặc “Miễn phúng điếu”). Nó có nghĩa xin không nhận những lễ vật do người đi viếng mang đến. Ở thời đại ngày nay, nhiều người thường hay hiểu miễn phúng điếu tức là xin miễn nhận tiền. Ông bà ta cũng có truyền đạt rằng khi một gia đình báo tang “Xin Miễn Phúng Điếu” cũng là một dấu hiệu cho thấy gia đình đủ sức lo liệu cho tang lễ. Họ chỉ nhận những vật viếng tang như nhang đèn, bánh trái, vòng hoa,.. chứ không nhận tiền.
Vả lại, họ cũng quan niệm tiền bạc thì người mất cũng không thể tiêu, mà người sống nhận thì không tốt. Họ cũng không muốn người thân đã khuất ra đi mà vẫn còn mang nợ với dương gian. Vì vậy chỉ cần người viếng tang có lòng thành, thành tâm cầu mong cho người đã khuất về nơi an yên vĩnh hằng. Còn lại những lễ vật có giá trị như tiền bạc, quà đắt tiền,… thì là hoàn toàn không cần thiết.
Tham khảo thêm: Tổng hợp các mẫu cáo phó tang lễ
Những lễ vật phúng điếu đám ma thường gặp
Văn hóa cúng điếu đã có từ rất lâu trong đám tang người Việt. Ngoài phong bì chứa tiền, khách đến viếng cũng có thể gửi tặng vòng hoa, trái cây, liễn cúng,… Trước khi chọn mua vật đi viếng, bạn có thể xem qua cáo phó của gia đình đăng có để “Miễn phúng điếu” hay không mà hãy lựa chọn lễ vật phù hợp nhé!
Phong bì thư
Phong bì phúng điếu là một trong những lễ vật đi viếng đám ma thông dụng nhất hiện nay. Người gửi phong bì có mong muốn nhằm san sẻ tài chính hoặc trả lễ người thân đã đi phúng viếng trước đó. Ngày xưa, họ sẽ viết tên người gửi và người nhận (tên người đã khuất) ở mặt trên và gửi tận tay cho gia quyến. Ngày nay, bao thư phúng viếng thường sẽ được để trong thùng phúng điếu chung của quan khách.
Tiền phúng điếu không chỉ thể hiện lòng thành mà còn phần nào giúp đỡ gia đình có thêm chi phí trang trải cho tang lễ. Tuy nhiên, nếu gia đình để cáo phó miễn phúng điếu thì bạn không nên gửi phong bì nhé!
Tham khảo thêm: Cách viết phong bì đám ma lịch sự
Vòng hoa tang lễ
Những vòng hoa tang là một lễ vật rất thường gặp trong đám ma lớn. Đây được xem như một vật giúp trang hoàng cho tang lễ thêm phần trang nghiêm và ấm cúng. Đồng thời, nhiều người quan niệm rằng giá trị của vòng hoa sẽ thể hiện tấm lòng thành của người viếng với người mất.
Tuy nhiên, một số khác thì cho rằng hoa tươi tuy đẹp nhưng cũng chóng tàn. Sau tang lễ ngắn ngủi thì những chiếc vòng hoa đắt tiền, xinh đẹp cũng bị bỏ đi như rác. Sự lãng phí này vô tình cũng khiến cho người đã khuất mang thêm nợ đối với người sống.
Nếu được chúng ta có thể quy đổi vòng hoa ra tiền và dùng để chi vào các mục đích thiện nguyện dưới tên người đã khuất. Điều này sẽ giúp người mất giảm được gánh nặng mang nợ ân tình mà còn giúp tích thêm công đức cho họ.
Giỏ trái cây
Trên thực tế, chọn giỏ trái cây phúng điếu đi tang lễ rất hữu dụng. Bởi sản phẩm có thể trưng bày trên bàn thờ, dùng được sau tang lễ mà không bị lãng phí như hoa tươi. Bạn hãy lưu ý chọn sản phẩm được kết thành giỏ một cách khéo léo và trang nhã. Điều đó thể hiện sự thành kính và tấm lòng của người đi viếng. Đặc biệt, giỏ trái cây còn cho thời hạn để lâu hơn. Nhất là có thể trưng bày trên bàn thờ khoảng 1 tuần mà không sợ hư hỏng.
Liễn cúng điếu
Liễn đám tang hay còn gọi là bức trướng đám tang hay bức trướng tang lễ. Ngoài ra tên gọi liễn hoa đám tang nó còn được biết đến với các tên gọi như bức trướng đám tang, giá liễn, đối liễn phúng điếu đám tang, bức hoành,… Đây là một lễ vật phúng điếu không thể thiếu của sui gia kèm theo vòng hoa và trái cây. Xem thêm: Đi đám tang sui gia nên mua gì cho phù hợp nhất?
Trên tấm liễn thường sẽ in các câu đối, thêu hình Phật, hình rồng phượng hoặc hình Đức Cha Đức Mẹ (với người theo đạo). Với thành ý của mình, gia đình sui gia hy vọng linh hồn người đã khuất sẽ sớm được theo chân Phật, về cõi an lành.
Giải đáp thắc mắc liên quan đến phong tục phúng điếu
Ngoài những thông tin trên, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều câu hỏi từ bạn đọc về tục phúng điếu người mất. Tháp Long Thọ xin được phép tổng hợp và trả lời như sau:
Tiền phúng điếu nên làm gì? Có nên nhận hay không?
Để trả lời cho câu hỏi này thì phải tùy thuộc vào quyết định của gia đình. Nhiều gia đình không nhận tiền phúng điếu do không muốn mang nợ. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn nhận tiền chấp điếu như bình thường. Họ quan niệm sau này khi nhà người viếng có tang họ cũng sẽ gửi lại tiền xem như có qua có lại. Hoặc nếu ngại từ chối, bạn có thể gom số tiền phúng điếu tích được và dùng cho mục đích thiện nguyện. Điều này sẽ giúp tâm bạn an nhiên hơn và người mất cũng không phải mang nợ, sớm được siêu sinh.
Nên đi phúng điếu bao nhiều tiền là hợp lý?
Thật khó để có thể nói ra con số chính xác nên đi phúng điếu bao nhiêu. Tùy vào mức độ thân thiết với người đã khuất và gia đình mà người viếng sẽ bỏ số tiền phù hợp vào bì thư.
Một gợi ý dành cho bạn là nếu bạn thân thiết với người mất thì có thể đi số tiền mệnh giá lớn như 500.000 đồng. Còn nếu mức độ thân thiết không cao, mối quan hệ xã giao thông thường thì có thể đi viếng với số tiền nhỏ hơn như 200.000/100.000/50.000 đồng.
Tiền phúng điếu có phải là di sản?
Theo như trang Luật Nam Việt chia sẻ: “Căn cứ vào Điều 633 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định thời điểm mở thừa kế: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết”.
Theo đó, tiền phúng viếng không phải là tài sản riêng của người đã chết để lại, cũng không phải tài sản chung với người khác. Tiền phúng viếng phát sinh sau thời điểm người có tài sản chết, tức là phát sinh sau thời điểm mở thừa kế nên không phải là tài sản của người chết để lại. Do đó, tiền phúng viếng không phải là di sản thừa kế.”
Việc phân chia số tiền phúng viếng sau đám tang sẽ do anh em bạn tự thỏa thuận, phân chi.
Có nên chuyển khoản tiền phúng điếu?
Nhiều người quan niệm rằng đám tang là một việc trọng đại vì thế cần phải chỉn chu trong mọi tác phong. Nếu bạn ở xa có thể gửi lời chia buồn đến gia đình là được. Hoặc, bạn có thể lựa chọn một người mình tin tưởng đang ở gần để chuyển khoản và nhờ người ta gửi phong bì phúng điếu đến tận tay gia đình. Hoặc bạn có thể chọn shop hoa, tiệm bán trái cây cúng ở gần địa điểm diễn ra tang lễ và chuyển khoản, nhờ bên shop chuyển hàng lễ vật đến tận nơi.
Còn nếu quan hệ hai bên đã quá thân thiết và bạn cũng không tin tưởng ai để nhờ gửi bao thư thì có thể lựa chọn chuyển khoản. Trước khi thực hiện hãy gọi điện tới và gửi những lời chia buồn cùng gia đình cũng như thông báo trước về việc chuyển khoản. Điều này sẽ giúp cho gia đình người mất hiểu được tấm lòng của bạn và thông cảm cho sự chưa chỉn do hoàn cảnh này.
Đi phúng điếu nên lạy mấy lạy?
Quan niệm về vái lạy khi dự tang lễ có các nguyên tắc sau:
- Khi người mất đã khâm liệm nhưng chưa chôn thì lạy 2 lạy và 2 vái. Một số gia đình sẽ để bàn thờ Phật trước hương án có di ảnh của người quá cố thì bạn nên lạy Phật 3 lạy và 2 vái. Sau đó mới lạy trước di ảnh của người mất.
- Nếu người mất đã được an táng thì lại 4 lạy và 3 vái trước di ảnh.
- Nếu xét về vai vế là vai trên của người mất như anh, chị, cô, dì, chú, bác,… thì chỉ vái 2 vái, không nên lạy.
- Khi quan tài đã được hạ huyệt, tức là sau khi chôn rồi, người ta vái người quá cố 4 vái.
Trên đây là toàn bộ những thông tin về phúng điếu đám ma người mất mà Tháp Long Thọ muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng thông qua bài viết trên, bạn đã có thể hiểu rõ được khái niệm phúng điếu hay cúng điếu là gì. Đối với việc có nên gửi tiền chấp điếu hay không thì hãy tùy theo gia đình người mất quan niệm như thế nào mà bạn hãy chọn lễ vật phù hợp nhé!