Tâm linh

Nghĩa trang Hàng Dương và những câu chuyện ly kỳ

nghia trang hang duong noi tieng o con dao va nhung cau chuyen li ky

Nghĩa trang Hàng Dương là một địa danh tâm linh nổi tiếng trong từng chuyến hành trình du lịch ở Côn Đảo. Đây là nghĩa trang lớn nhất trên mảnh đất linh thiêng này, nơi chôn cất hàng vạn các chiến sĩ cách mạng kiên trung, yêu nước. Những dòng chữ nhớ mãi từng người con của đất Việt, những khói hương nghi ngút linh hồn họ bay lên tận trời cao. Cùng Tháp Long Thọ tìm hiểu lịch sử nghĩa trang Hàng Dương nhé!

Nghĩa trang Hàng Dương ở đâu?

Nghĩa trang Hàng Dương tọa lạc tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, là nghĩa trang lớn nhất tại nơi này. Đây là nơi yên nghỉ của các chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày, kéo dài từ những năm 1862 đến năm 1975. Trong đó có liệt sĩ Lê Hồng Phong, Cao Văn Ngọc, Võ Thị Sáu… 

nghĩa trang hàng dương ở đâu

Trong nhà tù vùng này của chính quyền thuộc địa Pháp, và sau này là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Các chiến sĩ đã chết dưới sự tàn bạo của các cai ngục và hoàn cảnh sống khắc nghiệt tại nhà tù.

Sơ đồ nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương rộng khoảng 190.000m2, được khởi công xây dựng và tôn tạo vào ngày 19 tháng 12 năm 1992. Sau đó, tiếp tục thi công trên diện tích khoảng 20 ha nữa và được chia làm 4 khu:

  • Khu A: gồm 688 ngôi mộ (có 7 ngôi mộ tập thể) trong đó 91 ngôi mộ có tên và 597 ngôi mộ vô danh. Đa số các phần mộ từ năm 1945 trở về trước. Nơi đây có mộ của liệt sĩ cách mạng Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh.
  • Khu B: gồm 695 ngôi mộ (có 17 ngôi mộ tập thể) trong đó 276 ngôi mộ có tên và 419 ngôi mộ vô danh. Đa số các phần mộ từ năm 1945 đến 1960. Nơi đây có mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu và anh hùng Cao Văn Ngọc.
sơ đồ nghĩa trang hàng dương
  • Khu C: gồm 373 ngôi mộ (có 1 ngôi mộ tập thể) trong đó 332 ngôi mộ có tên và 41 ngôi mộ vô danh. Đa số các phần mộ từ năm 1960 đến 1975. Nơi đây có mộ của anh hùng Lê Văn Việt.
  • Khu D: gồm 157 ngôi mộ, trong đó 14 ngôi mộ có tên và 144 ngôi mộ vô danh. Đặc biệt mộ khu D được quy tập các mộ từ các nghĩa trang Hòn Cau và Hàng Keo về.

Giờ đóng, mở cửa nghĩa trang Hàng Dương

Viếng thăm nghĩa trang Hàng Dương thiêng liêng về đêm được xem là hoạt động tồn tại lâu đời ở Côn Đảo do gắn liền với ngôi mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương. Vì người ta tin rằng, tại thời điểm vào ban đêm là cõi âm và cõi dương có thể liên kết với nhau thông qua tâm niệm. Vì vậy, mỗi đêm ở nghĩa trang Hàng Dương người dân địa phương và du khách tham quan đến đây không khác gì ngày hội.

giờ đóng, mở cửa nghĩa trang hàng dương

Theo thông báo của Ban Quản lí di tích Côn Đảo thời gian thăm viếng, dâng hương tưởng niệm tại di tích nghĩa trang Hàng Dương như sau:

  • Ban ngày: Từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút
  • Ban đềm: Từ 18 giờ 00 phút đến 22 giờ 00 phút

Để đảm bảo tính tôn nghiêm, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường trong lễ viếng, dâng hương tưởng niệm tại di tích nghĩa trang Hàng Dương, quí khách khi thăm viếng nên mặc trang phục lịch sự, gọn gàng.

Bài thơ nghĩa trang Hàng Dương

Núi Côn Lôn được pha bằng máu

Đất Côn Lôn năm sáu lớp xương người

Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời

Mỗi tảng đá là một trời đau khổ”

Hay:

“Nghĩa địa Hàng Dương vùi thây bao số phận

Hết lớp này lớp khác dập lên trên

Mặt phẳng lì không mô đất nhô lên

Không bia mộ không tên và không tuổi…”

Qua bài thơ trên có thể cho ta thấy được cách chôn tù của thực dân và đế quốc ở Côn Đảo rất là tàn nhẫn và man rợ. Nhất là trong thời thực dân Pháp, mỗi khi có một tù nhân chết, cai ngục sẽ cho an táng bằng cách dùng hai chiếc bao bàng, một chiếc trùm từ trên đầu xuống, một chiếc trùm từ dưới chân lên rồi buộc lại bằng vài nuộc dây.

Sau đó đưa ra nghĩa địa đào một cái hố sơ xài để vùi lấp xuống dưới, bên trên cắm một cọc gỗ có đính một mảnh nhôm ghi vắn tắt số tù và ngày quá cố của người tù. Vài ngày sau, những đợt gió mạnh hoặc trâu, bò đi ngang qua dẫm bừa lên cọc gỗ ngã thế là mất hết dấu vết.

Chưa kể có những trường hợp tù nhân đi làm khổ sai bị tai nạn hoặc do kiệt sức mà chết, bọn cai ngục cũng sẽ cho vùi chôn tại chỗ. Nhiều chuyến vượt ngục trên biển của tù nhân bị sóng gió, thuyền, bè chìm đắm giữa biển khơi. Có thể nói rải rác khắp mọi nơi trên Côn Đảo đều có xác của tù nhân.

Ý nghĩa tượng đài nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương có các tượng đài mang ý nghĩa linh thiêng:

  • Bức tượng Trao Áo
  • Bức tượng Bất Khuất
  • Bức tượng Hi Vọng

Bức tượng Trao Áo

Ngay ở trung tâm nghĩa trang là một sân hành lễ với tượng đài mang hình tượng Trao Áo. Tượng đài cao 9 m, nặng khoảng 25 tấn được xây dựng ngày 16 tháng 7 năm 1980. Phía chân bức tượng có ghi dòng chữ “Vĩnh biệt các đồng chí”. Tượng đài này được tái tạo từ câu chuyện “Chết còn cởi áo cho nhau” với người trao áo là ông Vũ Văn Hiếu, nguyên là bí thư đầu tiên của đặc khu mỏ Hòn Gai và người nhận áo nguyên là cố Tổng Bí thư Lê Duẩn

bức tượng trao Áo

Câu chuyện cởi áo cho nhau đã làm bừng sáng lên tinh thần cách mạng vô sản, tinh thần hiến dâng cách mạng đến hơi thở cuối cùng. Đây chính là bài ca về sự hy sinh của những người con cộng sản, tất cả cho tổ quốc, tất cả cho cách mạng.

Bức tượng Bất Khuất

Trong khu tưởng niệm, còn có các tác phẩm của nhà điêu khắc Đào Châu Hải, tác phẩm mang tên “Bất khuất” có chiều dài khoảng 22 m, cao 3,2 m. Đây là một dãy khối nằm ngang giống như một tấm bình phong phía mặt quần thể, hình tượng y như một dãy núi, một bức tường nhà lao, được xếp chồng từng khối.

Các chi tiết điêu khắc khoét lõm sâu vào cho thấy được những nhân vật đang bị giam cầm xiềng xích, giúp đỡ, nương tựa lẫn nhau, đi xuyên trong những khối tường, sự kết nối huyền thoại của tinh thần yêu nước, đấu tranh bất khuất chống chủ nghĩa thực dân.

bức tượng bất khuất

Những lỗ thủng trên tượng đài chính là điểm thú vị nhất của tác phẩm, nó vừa vặn khi nằm chính diện tiền sảnh của quần thể, vừa cho người ta cảm giác trong ngoài của các ô cửa xà lim. Các nhịp đặc, rỗng, lõm, phẳng… đã tạo cho khối điêu khắc một câu chuyện hùng hồn, vừa cho xúc cảm câm lặng, lại vừa thấy trào dâng sức mạnh tiềm ẩn, ý chí của tinh thần quật cường, ý chí tư tưởng giải phóng dân tộc.

Bức tượng Hi Vọng

Lùi xuống phía bên trái của chính diện là tác phẩm của nhà điêu khắc Phan Gia Hương, mang tên “Hy vọng” cao khoảng 5 m, tạc một khối nhân vật nữ đứng hiên ngang trong gió biển, dang tay thả chim tự do.

bức tượng hi vọng

Đây là hình ảnh của biểu tượng về tinh thần lạc quan, yêu đời đầy hy vọng, như hóa thân chính từ người nữ anh hùng Võ Thị Sáu, một huyền sử sáng chói tinh thần cách mạng dân tộc.

Đồ lễ nghĩa trang Hàng Dương

Khi lễ ở đài tưởng niệm cần phải chuẩn bị một số lễ sau:

  • Cờ Tổ quốc.
  • Khăn rằn.
  • Mũ tai bèo.
  • Quần áo bộ đội.
  • Gói chè.
  • Bao thuốc.
Đồ lễ nghĩa trang hàng dương

Còn lễ ở mộ chị Võ Thị Sáu thì cần chuẩn bị lễ:

  • Nón lá.
  • Xấp tiền vàng.
  • Bộ gương lược.
  • Chai nước suối.
  • Hoa tươi màu trắng.

Bài văn khấn nghĩa trang Hàng Dương

Có hai văn khấn ở nghĩa trang Hàng Dương là văn khấn các liệt sỹ và mộ cô Sáu.

Văn khấn các liệt sỹ tại nghĩa trang Hàng Dương

Nam mô A Di Đà Phật. (3 lần). Hôm nay, ngày … tháng … năm … Triệu thỉnh chư chân linh liệt sĩ thôn (xã, phường) Hỡi! Hỡi các chư hồn liệt sĩ thôn (xã, phường) ơi!

Nhớ thuở xưa non sông gian khó, bao kẻ thù dòm ngó sợi tóc ngõ hầu tang thương.

Các chư hồn lên đường nhập ngũ, để cha già con nhỏ mỏi mong.

Có hồn vợ trẻ con bồng, ra đi không để một dòng thư riêng.

Có hồn con còn hài nhi tấm bé, thơm vội má con lặng lẽ lên đường.

Một đi không lại quê hương, cha thương mẹ nhớ, vợ mong con chờ.

Sông núi gọi theo cờ hồn tiến, nào xá chi nguy hiểm tấm thân,

Máu rơi trong tỉnh thời gần, Đồm Chum, Xiêng Khoảng, xa xăm nước Lào.

Có hồn mất khi khu còn cháy, Hồn Điện Biên rừng núi tại Sơn Nam,

Đắc Tô, Tân Cảnh, Khu Năm, Đồng Xoài, Quảng Trị, Mậu Thân, Núi Thành.

Có hồn đánh Tây Ninh, Huế cổ, Dọc Trường Sơn đến ngõ Sài Gòn,

Quảng Nam, Bến Cát, Vĩnh Long, Biên cương ngoài Bắc, phía trong tung hoành.

Có hồn súng bộ binh ngắm địch, cũng có hồn trinh sát đặc công,

Có hồn tên lửa phòng không, đánh đâu thắng đấy mỗi năm mỗi tài.

Viên đạn lạc nào ai nom thấy, bãi mìn kia ai cậy lên trông,

Thế rồi vì nước vì dân, chư hồn ngã xuống, cờ hồng dâng cao.

Nam, Bắc nay đã vào một mối, mọi quân thù cuốn gói cút xa,

Tuân theo lệnh nước tình nhà, hôm nay cờ trống rong ra đón hồn.

Hỡi hỡi! Các chư hồn ơi! Hỡi hỡi! Các chư hồn ơi!

Dẫu hồn còn theo đám mây trôi, hoặc đứng ngọn cỏ, hoặc ngồi cành cây.

Rước các hồn xuống ngay thụ lễ, toàn dân ra đây để đón hồn về,

Vào Chùa thỉnh pháp Văn kinh, hoa thơm quả ngọt khói hương ngạt ngào.

Thừa lộc Phật phẩm đào, oản trắng, nải chuối vàng, sánh nặng tình thân.

Dân ta tháng, tháng tuần rằm, chư hồn lễ Phật, cùng dân cúng cầu.

Hỡi! Các liệt sĩ bấy lâu xa vắng, mau về Chùa … lễ Phật nghe Kinh.

Về với xóm, làng (đường phố) gia đình.

Độ trì phù hộ xóm, làng (đường phố) gia đình, chư hồn ơi!

Hỡi! Hỡi! Chư hồn liệt sĩ thôn (xã, phường) … ơi!

Khi Tổ quốc trong cơn binh lửa, lúc non sông thảm hoạ chiến binh,

Chí anh hùng vì nước hy sinh, gan tráng sĩ có xá gì còn hay mất.

Cũng có lúc nằm gai nếm mật, nhớ những khi nắng núi mưa ngàn,

Quyết quên mình cho Tổ quốc vinh quang, làm rạng rỡ cho con Hồng cháu Lạc.

Nơi trận địa thịt tan xương nát, mảnh hình hài mặc cho cỏ đất gió rung,

Trước tượng đài Tổ quốc ghi công, cả dân tộc mang ơn anh muôn thuở.

Mộ phần nơi đâu dầu dầu ngọn cỏ, nơi chiến trường vì nước quên thân,

Lòng thành toàn Đảng toàn dân, nhớ người liệt sĩ lưu danh sử vàng.

Hỡi! Hỡi các anh hùng cao niên đầu bạc, nơi chiến trường đã vì nước quên thân,

Toàn dân ta thương tiếc vô cùng, tạc bia đá, đúc tượng đồng nhớ ơn!

Thôi các linh hồn đừng lên suy nghĩ, chí làm trai đã để lại dấu thiêng,

Độ cho dân ta nước thịnh nhà yên, linh hồn các liệt sĩ có trong lễ đàn.

Thì xin mời theo làn khói hương, vào Chùa… nghe Kinh niệm Phật,

Chắc các linh hồn đã về chùa nhỉ, dưới suối vàng đang hoan hỷ đàn ca.

Độ cho các lão các già, độ cho tất cả các nhà thân huân,

Nam mô Đức Phật Thế Tôn, tiếp dẫn linh hồn về mái Tây Phương. (3 lần)

Văn khấn viếng mộ cô Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương

Ngài Kim niên Đương Cai Thái Tuế Chí Đức Tôn thần, Kim Niên Hành Binh, Công Tào Phán Quan.

Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng Chư Vị Đại Vương.

Ngài Bản Xứ Thần Linh Thổ Địa Tôn Thần.

Các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ Long Mạch Tôn Thần, Tiền Chu Tước, Hậu Huyền Vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn Thần cai quản ở trong xứ này.

Con là (tên của bạn)………………………………………………………………….

Địa chỉ………………………………………………………………………………..

Sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Tôn thần, kính viếng vong linh là: Cô Sáu

Phần mộ ký táng tại nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo.

Nay nhân ngày………………(Ví dụ: Cuối năm, hoặc Thanh minh, hoặc thăm mộ) con xin cúi lạy Thần Linh đất này, Thành Hoàng Bản Thổ nơi đây, đất lành chim đậu, đức dày thanh cao, giữ lành công lao, có kết có phát nhờ vào thần quan, tôn thần long mạch cao sang, nhị thập tứ hướng nhị thập tứ sơn quanh vùng.

Chọn đây an táng mộ phần, thỏa yên muôn thủa, hồng ân đời đời, gia ân mãi mãi không thôi, chúng con xin có vài lời cầu xin: Bái tạ thủ mộ thần quan, cho chân linh dưỡng cho hài cốt nguyên vẹn toàn, phù hộ con cháu trần gian, an khang mạnh khỏe ăn làm gặp may. Âm dương cách trở, bát nước nén hương, biểu tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Phục duy cẩn cáo!

(Khấn 3 lần rồi đốt vàng tiền).

Danh sách liệt sĩ nghĩa trang Hàng Dương

danh sách liệt sĩ nghĩa trang hàng dương

Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của 742 liệt sĩ có danh tính hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Để tìm hiểu thêm thông tin, quý thân nhân liệt sĩ vui lòng liên hệ ban quản lí nghĩa trang hoặc Phòng CS-NCC của Sở LĐTBXH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu theo:

  • Địa chỉ: 11 Trường Chinh, phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa
  • Điện thoại: 064.3852205  Fax: 064.3540705
  • Email: soldtbxh-bariavungtau@chinhphu.vn

Những câu hỏi thường gặp về nghĩa trang Hàng Dương?

Khi nhắc đến nghĩa trang Hàng Dương đa số mọi người thắc mắc một số câu hỏi như:

  • Nghĩa trang Hàng Dương có bao nhiêu ngôi mộ?
  • Tại sao gọi là nghĩa trang Hàng Dương?
  • Khách sạn gần nghĩa trang Hàng Dương?

Nghĩa trang Hàng Dương có bao nhiêu ngôi mộ?

Theo lời giới thiệu của thuyết minh viên thì có khoảng 20.000 tù nhân đã chết ở Côn Đảo. Có thể nói, xác các tù nhân bị chôn vùi gần như ở khắp mọi nơi trong nghĩa trang Hàng Dương.

nghĩa trang hàng dương có bao nhiêu ngôi mộ

Sau đó, do cuộc đấu tranh khốc liệt của các tù nhân, những người chết mới có một bia mộ bằng xi măng và một vài hòn đá trên nấm mộ. Theo ước tính có khoảng 1.913 ngôi mộ được ghi nhận và chia thành 4 khu A, B, C, D theo sơ đồ nghĩa trang.

Tại sao gọi là nghĩa trang Hàng Dương?

Trước đây, khi đi vào cổng chính vào Nghĩa trang Hàng Dương ta nhìn thấy kiến trúc là 1 khuông hình vuông chiều cao bằng với chiều rộng, 2 cột đứng hai bên và xà ngang có tiết diện hình tam giác được ốp bằng đá Granit màu đen. Tên nghĩa trang được gắn trên xà ngang cổng chính làm bằng đồng, ghi là “Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương”.

Nhưng sau đó do dư luận không đồng tình vì Nghĩa trang Hàng Dương mang trong mình lịch sử cả trăm năm, tù nhân trên mảnh đất Côn Đảo đủ các thể loại, thành phần như: trộm cướp, tù nhân chính trị, … khi bị hành hình hoặc ốm yếu chết đều chôn cất ở nghĩa địa này.

tại sao gọi là nghĩa trang hàng dương

Nếu gắn tên “Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương” thì tất cả đều sẽ được công nhận là Liệt sĩ? Mà việc tách bạch chiêu tập nào là Liệt sĩ, nào là không phải liệt sĩ chắc chắn không thể làm được vì có quá nhiều mộ.

Sau rất nhiều cuộc họp và hội thảo diễn ra đi đến quyết định cuối cùng là bỏ 2 chữ “Liệt sĩ” trên xà ngang đi, chỉ còn lại “Nghĩa trang Hàng Dương”.

Khách sạn gần nghĩa trang Hàng Dương?

Một số khách sạn mà bạn có thể tìm thấy gần với nghĩa trang Hàng Dương như:

  • Garden House Côn Đảo: tọa lạc tại Khu 2 Phan Chu Trinh, Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu, cách nghĩa trang Hàng Dương 0,5 km.
khách sạn gần nghĩa trang hàng dương
  • Pumkin’s House: nằm cách nghĩ trang Hàng Dương khoảng 0,3 km tọa lạc tại American tiger cages, Lưu Chí Hiếu, Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu.
  • Nhà nghỉ Hạnh Minh: nằm ở Đường Lê Văn Lương, Côn Đảo, đảo Côn Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu, cách nghĩa trang Hàng Dương khoảng 1 km.
  • Hotel Đăng Khoa: tại 3 Đường Hồ Thanh Tòng, Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu, cách nghĩa trang Hàng Dương 0,8 km.

 

Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của hàng ngàn người con ưu tú của dân tộc Việt Nam ta đã đối mặt với kẻ thù giữa lao tù, xiềng xích, trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Với hàng ngàn nấm mộ có tên và không tên chính là bằng chứng hùng hồn về tội ác của đế quốc, thực dân đối với non sông ta. Hy vọng bài viết trên của Tháp Long Thọ có thể giúp quí bạn đọc có thêm nhiều thông tin về nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.

author-avatar

About Tháp Long Thọ

Tháp Long Thọ cung cấp dịch vụ hỏa táng trọn gói, dịch vụ lưu tro cốt ngắn và dài hạn, hũ đựng tro cốt bằng gốm sứ và đá cao cấp được giao toàn quốc.

Trả lời