Lễ hỏa táng đóng một vai trò rất quan trọng trong lễ nghi tôn giáo của người Chăm hay còn gọi là người Chăm Bàlamôn, giúp cho người chết được lên thiên đàng. Hãy cùng Tháp Long Thọ xem lễ hỏa táng của người Chăm diễn ra như thế nào nhé!
Lí do người Chăm làm lễ hỏa táng
Trong suốt chiều dài của lịch sử xã hội loài người đã biết sự tồn tại của nhiều hình thức mai táng mà mỗi vùng miền có những đặc điểm riêng vì nó thuộc phạm trù xã hội, dân tộc và truyền thống địa phương.
Người Chăm Ninh Thuận từ xa xưa đã coi cuộc đời của họ đến cõi trần như “một chuyến đi buôn”. Cuộc sống trên trần gian chỉ là một nơi cư ngụ tạm bợ, mọi người từ thế giới bên kia đến cõi trần rồi lại về bên kia thế giới vĩnh hằng. Vì thế lễ hỏa táng được xem là nghi lễ rất quan trọng trong quan niệm vòng đời của người Chăm, trở thành một nghi lễ thiêng liêng chứng kiến sự kết nối giữa trần gian và thượng giới.
Nhưng không phải ai khi chết đi cũng sẽ được giải thoát lên thiên đàng. Để được lên thiên đàng, người Chăm quan niệm phải hội đủ các tiêu chuẩn khi còn sống và đến khi nhắm mắt xuôi tay phải được làm lễ tang đầy đủ trọn vẹn. Đặc biệt, khi chết phải lành lặn toàn thây, chết trên giường ở nhà có người nhà đỡ lưng đặt xuống đất khi chết và phải được các chức sắc Bàlamôn thực hiện đầy đủ các lễ thức như khâm liệm, lễ rửa tội, lễ cho ăn, lễ chém cây, lễ hoả táng tươi và sau cùng là lễ nhập Kút.
Người chăm quan niệm rằng sau khi người chết đi phải làm lễ hỏa táng để linh hồn được siêu thoát lên thiên đàng. Ngược lại nếu không được thiêu thì linh hồn sẽ không siêu thoát, sẽ bắt tất cả người thân trong dòng tộc.Vậy nên lễ hoả táng thường được tổ chức rất lớn, bắt buộc phải diễn ra từ 4 đến 7 ngày. Nghi thức hỏa táng phải do đội ngũ chức sắc tôn giáo và chức sắc dân gian đủ tiêu chuẩn làm chủ lễ, phải thực hiện đầy đủ các quy trình về hình thức cũng như nội dung lễ.
Trong cộng đồng người Chăm có ba tôn giáo chính đó là Chăm Islam, Chăm Awal và Chăm Ahier nhưng chỉ có mỗi người Chăm Ahier thực hiện lễ hỏa táng cho những người đã mất.
Xem thêm: Các công nghệ hỏa táng hiện đại
Các loại lễ hỏa táng của người Chăm
Lễ hỏa táng của người Chăm được phân làm 2 loại đó là hỏa táng khô và hỏa táng tươi.
Lễ hỏa táng tươi của người Chăm
Hỏa táng tươi là hỏa táng ngay sau khi qua đời, dành cho các vị chức sắc đứng đầu trong tôn giáo như vị cả sư Po Adhia và phó cả sư Po Bac hay những người chết bình thường, chết lành và không rơi vào các dịp kiêng kỵ hay vào thứ năm hàng tuần.
Tùy theo ngày mất của vị cả sư là tốt, xấu hay rơi vào những dịp kiêng kỵ mà ngày lễ hỏa táng có thể kéo dài từ 7 ngày đến 14 ngày theo nghi thức.
Lễ hỏa táng khô của người Chăm
Hỏa táng khô là hỏa táng dành cho người người chết xấu (chết không bình thường), gặp thời gian kiêng kỵ, sát sinh của đạo Hồi giáo Bà Ni (plàn clék ớ) hoặc (tháng ăn chay), hay chết khi gia đình không đủ tiền bạc để làm hoả táng luôn… Người chết được chôn tạm, cho đến khi có điều kiện, chọn thời điểm tốt sẽ bốc mộ lấy hài cốt để thiêu.
Xem thêm: Cải táng là gì?
Những qui định trong tập tục làm lễ hỏa táng của người Chăm
Trong quá trình tổ chức tang ma của đồng bào Chăm Bàlamôn có những quy định bắt buộc phải tuân thủ đối với đẳng cấp xã hội, lứa tuổi, loại người chết.
Qui định về giai cấp trong xã hội
Một trong những điều có thể được xem là sự quy buộc của tín ngưỡng tôn giáo đồng bào Chăm Bàlamôn (Ahier) từ xưa cho đến nay là vẫn còn những sự phân biệt về giai cấp trong xã hội. Điều này thể hiện rõ nét nhất trong các lễ tang ma.
Người dân bình thường khi chết đi, hỏa táng được thực hiện với 2 thầy Basaih làm chủ lễ, còn đối với dòng họ quý tộc được 4 thầy Basaih làm chủ lễ. Sự phân cấp bậc này được du nhập từ văn hóa Ấn Độ giáo nhưng được người Chăm cải biên để phù hợp với văn hóa truyền thống bản địa.
Qui định về lứa tuổi
Tục hoả táng có quy định rất nghiêm ngặt đối với đứa trẻ dưới 15 tuổi chết thì chỉ được chôn không được phép thiêu.
Sau khi chôn hơn một năm thì hài cốt mới được phép bốc lên để làm lễ hỏa táng.
Qui định theo loại người chết
Ngoài những quy định về nghi thức tang ma theo đẳng cấp, theo lứa tuổi, thì đồng bào người Chăm Bàlamôn con quy định bởi các loại chết. Người chết chết trong trường hợp nào, chết bình thường hay không bình thường, khi chết bao nhiêu tuổi, có vợ, có chồng hay có con chưa cũng được quy định chặt chẽ.
- Người chết bình thường là những người chết vì bệnh hay chết do già sẽ được hỏa táng.
- Người chết không bình thường là chết do tai nạn xe cộ, chết vì thú dữ, chết trận, chết vì sông suối… và chết ngày đại kỵ (ngày hết trăng mùng một) sẽ phải chôn hơn một năm rồi mới bốc cốt đi hỏa táng.
Qua những qui định kể trên có thể thấy rằng trong tín ngưỡng tập tục tang ma của người Chăm được quy định, tổ chức và thực hiện một cách chi tiết, rõ ràng. Đây là nét đặc sắc trong văn hóa đồng bào qua hàng trăm năm lịch sử của dân tộc ta.
Những nghi thức trong lễ hỏa táng của người Chăm
Theo tập tục của đồng bào Chăm, cần chuẩn bị đầy đủ lễ vật trước khi làm lễ hỏa táng. Sau khi thực hiện các nghi thức xong sẽ là lễ nhập Kut và lễ mở cửa Kut.
Chuẩn bị lễ vật dâng cúng để hỏa táng
Các lễ vật (gọi là panoja) được sử dụng trong lễ hỏa táng rất phong phú và đang dạng nhưng phải tuân thủ theo quy định chặt chẽ một cách nhất quán. Số lượng, chất liệu các lễ vật thờ và dâng cúng phụ thuộc vào từng lễ thức và thần linh cầu cúng.
Trong lễ hỏa táng và trong đám tang nói chung, lễ vật dâng cúng của người Chăm Bàlamon chủ yếu là:
- Rượu, nước
- Trầu, cau
- Lửa đốt trầm
- Muối
- Đèn cầy làm bằng sáp ong.
- Mâm lễ cúng mặn gồm có trứng gà, thịt gà, cá, canh dọc môn, trái chuối hột non và giá đậu sống.
- Mâm lễ ngọt (hay còn gọi là đồ chay) gồm có bánh trái, chuối, chè.
Lưu ý là trong những ngày lễ và 30 ngày sau của người mất, chức sắc và những người trong tộc họ kiêng không được ăn thịt những động vật đẻ con, chỉ được ăn những động vật đẻ trứng và phải kiêng ăn rau quế và các loại cà trái.
Các nghi thức trong lễ hỏa táng
Sau khi chuẩn bị các lễ vật, theo tập tục của đồng bào Chăm, một đám tang sẽ được diễn ra với các nghi thức gồm các lễ sau:
- Lễ cho nước (Laik aia)
- Lễ tắm rửa (Pamânei)
- Lễ mặc áo, hay còn gọi là lễ đại liệm ( Pambeng anguei)
- Đưa đi chôn (Ba jala) hoặc lễ hỏa táng (Ndam kut)
Trong bốn lễ này, thì đưa đi chôn (Ba jala) hoặc lễ hỏa táng (Ndam kut) là lễ được làm cuối cùng và kỹ lưỡng nhất. Mặc dù trong lễ hỏa táng của người Chăm Bàlamôn có những quy định rất chặt chẽ về loại chết, lứa tuổi, đảng cấp… Tuy nhiên các nghi lễ dù lớn hay nhỏ, dù lễ tang do “hai thầy” hoặc do “bốn thầy” Basaih làm lễ đều có những điểm giống nhau là đều phải có nhà lễ.
Nhà lễ được làm theo những quy định bắt buộc của lễ “bốn thầy”, ngoài hai mái làm như nhà lễ đám chôn, còn có một mái phía trước gọi là “traom” giống như nhà tục của đồng bào Chăm. Nhà lễ bao giờ cũng có 9 cột chính.
Trong lễ hỏa táng, các chủ lễ sẽ thực hiện các tiểu lễ như sau:
- Lễ cúng khấn mời thần linh (Mâlieng yang).
- Lễ tẩy uế (Ricaow taleh, Rayiap).
- Lễ khấn gò mối (Po yang Katuec).
- Lễ ăn cơm phong tục (Pathen pabah).
Theo quy định, lễ hỏa táng được bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng. Sau gần hai giờ hát thánh ca, người ta khiêng hài cốt của người chết ra bãi hỏa táng.
Khoảng 10 giờ, chiêng trống được nổi lên, con cháu, người thân của người chết đến nằm lạy trước Cakung khóc lóc thảm thiết (chỉ những người ở cai dưới người chết mới lạy).
Khi hài cốt đã đưa vào đòn khiêng, ông thầy để cây gỗ có dán hoa văn đè lên hài cốt. Người nhà xếp tất cả quần áo, đồ đạc dành cho người chết lên đó để hỏa thiêu cùng.
Khi khiêng người chết đi được nửa đường, mọi người phải dừng lại làm thủ tục quay đầu cho người chết rồi mới tiếp tục khiêng lên giàn hỏa thiêu.
Trong lúc lửa đang cháy nghi ngút, người chủ lễ dùng cây rựa cán dài lấy đầu người chết ra. Hai người mang đầu ra một cái lán nhỏ ở góc bãi để đục, chặt lấy 9 mảnh xương trán và mài thành hình tròn, đường kính khoảng 1cm cho vào hộp klaong để sau này làm lễ nhập Kut.
Lễ nhập Kut (Ba talang tamâ Kut)
Lễ nhập Kut được hiểu là lễ lấy xương trán của người chết nhập vào nghĩa địa, thường được tổ chức vào các tháng 3, 6, 8, 10 và 11 Chăm lịch hằng năm.
Kut nghĩa là nghĩa địa của dòng tộc theo họ mẹ của người Chăm Bàlamôn. Kut rất linh thiêng và quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chăm vì họ tin rằng Kut là nơi ông bà tổ tiên hóa thần, có một quyền năng siêu hình, có thể che chở, ban phúc lộc và giải trừ nghiệp chướng cho con cháu trong dòng tộc của họ.
Vì vậy con cháu phải có trách nhiệm làm lễ nhập Kut và thờ phụng tổ tiên thật chu đáo, đúng phép tắc lễ nghi. Dù khó khăn đến mấy, gia đình và họ tộc cũng phải góp công vào để lo cho bằng được một Kut.
Sau khi trong tộc họ đã hội đủ khoảng từ 15 đến 20 hộp xương trán (kalong) của người đã mất, hoặc trăm hộp xương của người trong tộc họ đã quá cố thì trưởng họ mời các gia đình họp lại bàn về thời gian cũng như điều kiện vật chất để làm lễ nhập Kut cho cả tộc họ.
Lễ nhập Kut cũng có rất nhiều tiểu lễ. Những đêm nhập Kut, mọi người thường đánh trống, kéo đàn, hát và nhảy múa vui vẻ thâu đêm. Những người phụ nữ dọn cơm cho tất cả mọi người ăn cộng cảm. Vì vậy, theo quan niệm của người Chăm sau khi làm xong lễ nhập Kut, linh hồn người chết đã nhập về với tổ tiên.
Lễ mở cửa Kut
Đúng một năm sau ngày nhập Kut, tộc họ lại mời thầy Basaih đến làm lễ mở cửa Kut (peh babeng Kut). Linh hồn người chết coi như đã về với tổ tiên, coi như đã hóa thần và về xứ sở ông bà (nao nâgar muk kei).
Hi vọng bài viết trên của Tháp Long Thọ giúp bạn đọc có thêm thông tin về lễ hỏa táng của người Chăm. Bạn cũng có thể tham khảo nhiều bài viết về tâm linh cũng như hỏa táng khác bằng cách truy cập website thaplongtho.vn.