Từ xa xưa gà luộc đã là món rất quan trọng không thể thiếu trên mâm cỗ cúng của người Việt, đặc biệt là trong các lễ Giao Thừa, lễ gia tiên các ngày Tết. Bên cạnh việc luộc gà thật khéo để cho gà không bị nứt da và lên màu bóng đẹp bắt mắt thì việc để đặt gà cúng trên bàn thờ sao cho đúng cách, đúng hướng là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc nhưng chưa biết phải làm như thế nào cho chuẩn. Mời quí bạn đọc cùng Tháp Long Thọ tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm được cách chuẩn bị và đặt gà cúng hướng sao cho thật hấp dẫn và mang lại nhiều tài lộc cho gia đình trong dịp năm mới nhé!
Tại sao chọn gà trống để cúng trong các dịp Lễ, Tết
Tại sao trong hầu hết các mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên, giỗ chạp, lễ tết, cưới hỏi… đều có một đĩa xôi và một con gà trống? Con gà là tượng trưng của điều lành, dự báo tương lai, gắn bó với nền nông nghiệp lúa nước, nên trong các mâm cỗ từ lâu luôn có có mặt của con gà trống.
Theo phong tục người Việt, cúng đêm giao thừa là cúng 12 vị thần thời gian để kết thúc một năm và bắt đầu một năm mới nên người ta chọn gà trống để cúng. Nhưng gà trống phải là gà trống choai, không khuyết tật, mào đỏ, mỏ vàng, chân vàng và quan trọng nhất là vẫn còn tinh khiết chưa đạp mái.
Con gà trống nhiều màu sắc (ngũ sắc) được cho là gà quý vì nói gợi lên 7 sắc cầu vồng, báo hiệu khi trời mưa, báo hiệu mùa màng bội thu. Mặt khác gà trống choai còn được gọi là gà giò, tiếng gáy của nó chỉ rõ nhịp chuyển vần của mặt trời ngày đêm nối tiếp nhau. Có quan niệm cho rằng, hình ảnh gà giò là dấu hiệu của vũ trụ đang chuyển vận. Gà có màu đỏ rực biểu tượng của mặt trời, tiếng gáy của nó gắn liền với tiếng hát của các thần linh khiến nữ thần mặt trời phải rời khỏi nơi ẩn náu đồng nghĩa với mặt trời mọc – sự phát lộ của ánh sáng.
Không những vậy, ở phương Đông chữ Kê (ki) chỉ gà đồng nghĩa với điềm lành, thuận lợi. Vẻ đẹp ngũ sắc, dáng đi oai phong của con gà trống còn được ví như ngũ đức:
- Đức thần dân (mào)
- Đức
- quân nhân (cựa)
- Đức dũng cảm (tính chiến đầu)
- Tốt bụng (luôn nhường thức ăn cho gà mái)
- Đáng tin cậy (tiếng gáy luôn chính xác).
Trong văn hóa Hy – La, gà trống còn là biểu tượng của ánh sáng đang sinh nở, được xem là vật hiệu của Apollon.
Sự cầu kỳ trong việc lựa chọn gà trống để cúng lễ thể hiện ước vọng của người Việt cầu mong một năm mới mọi sự tốt lành, an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.
Các kiểu buộc gà cúng phổ biến
Buộc gà cúng đẹp để bày lên mâm cỗ ngày Tết hay mâm cỗ cúng đều thể hiện nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Nhưng buộc gà cúng sao cho đẹp và bắt mắt mà không tốn nhiều thời gian chế biến. Mời quí bạn bạn đọc tham khảo một số kiểu buộc gà cúng đơn giản thường được sử dụng phổ biến hiện nhé!
Buộc gà cúng dáng quỳ
Cách buộc gà cúng đơn giản và dễ làm nhất đó là cách buộc dáng gà quỳ. Buộc gà cúng theo kiểu quỳ giúp dáng gà trông tự nhiên và nhìn rõ được đầy đủ đầu, cánh, chân vàng óng. Với cách buộc gà kiểu quỳ thì khi bạn đặt trên mâm, gà trông cũng sẽ có phần to hơn, bắt mắt hơn.
Tạo dáng gà quỳ bằng cách khứa nhẹ hai phần đầu khớp rồi bẻ quặp 2 chân gà ra phía sau, dùng dây buộc cố định để tạo dáng đang quỳ tự nhiên. Cố định cho đầu thẳng và khép 2 cánh vào sát hai bên sườn là bạn đã hoàn thành xong cách tạo dáng gà quỳ.
Buộc gà cúng cánh tiên
Bên cạnh cách buộc gà cúng theo kiểu quỳ thì gà cúng buộc kiểu cánh tiên cũng khá quen thuộc và rất được hội chị em yêu thích trong dịp Lễ, Tết. Với cách buộc gà lễ này, cần phải tiến hành tạo dáng ngay từ trước khi luộc để khi gà chín là sẽ “vào hình” ngay.
Tạo dáng gà cánh tiên bằng cách:
- Gà sau khi đã làm sạch sẽ, dùng dao khứa nhẹ cánh rồi đan 2 cánh gà lại.
- Tiếp tục, cho 2 phần khớp chạm nhau rồi để xòe ra như hình cánh tiên, cài đầu gà nhét vào giữa, rồi cùng dây lạt buộc cố định lại.
- Dùng dao khứa vào chân gà, rồi cài khéo léo giấu chân vào trong bụng. Khi chú gà ngẩng đầu cao, 2 cánh xòe ra đều nhau trông như đang ngồi với dáng vẻ tự nhiên nhất là chúng ta đã hoàn thành xong cách buộc gà cúng cánh tiên vô cùng đẹp mắt.
Buộc gà theo kiểu gà chầu
Cách buộc gà cúng theo kiểu gà chầu được cho là cách phức tạp, tốn nhiều thời gian và công sức cho việc tạo hình. Vì vậy, kiểu buộc này thường chỉ được sử dụng trong những lễ quan trọng như lễ cúng giao thừa. Bởi theo quan niệm dân gian, gà sẽ về chầu trời và kể lại toàn bộ sự việc đã xảy ra trong năm qua, cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa… Cần tạo hình cho gà thật đẹp để tỏ lòng thành kính của gia chủ.
Kiểu gà chầu được buộc theo cách: đầu tiên, bạn rửa thật sạch gà sau đó dùng dao loại nhỏ rạch nhẹ một đường 2 bên cổ gà (vị trí gần miệng) rồi nhét 2 cánh vào sao cho phần đầu cánh thò ra bên ngoài miệng. Đầu gà được cố định thẳng nhờ vào 2 cánh, nên chỉ cần dùng dây buộc cho 2 chân gà khép sát vào thân là được.
Buộc gà theo kiểu gà bay
Tương tự như cách buộc gà lễ dáng quỳ, cách buộc dáng gà bay là một cách khá dễ, bất kỳ ai dù có kinh nghiệm hay chưa cũng đều có thể làm được. Chính vì sự dễ dàng này nên cách buộc gà lễ dáng bay thường được sử dụng thường xuyên, đặc biệt là trong các đám giỗ.
Để tạo được kiểu gà bay, ta thực hiện như sau:
- Sau khi rửa gà sạch, bẻ nhẹ nhàng hai chiếc cánh gà ra sau và vắt ngược lên phía lưng.
- Dùng dây buộc cố định ở phần khớp xương cánh lên phần đầu gà, phần chân xếp lại gọn gàng, giữ cho phần đầu luôn hướng về phía trước, dựng thẳng lên cho đẹp mắt.
Một số lưu ý để buộc gà cúng đẹp
Đề gà sau khi luộc giữ được hình dáng đã tạo ban đầu, bạn cũng cần chú ý một số mẹo sau:
Chọn gà cúng
Để có một con gà cúng đẹp, cần chọn gà rất kỹ. Con gà trống choai mào phải đỏ tươi nhú cao đều nhau, lông mượt, nhanh nhẹn, da căng vàng ức đầy, chân nhỏ (gà ri) gà nặng từ 1,2 kg – 1,4 kg là vừa, gà to quá bày không đẹp, thịt kém ngọt nhiều xương. Khi gà mua về cắt dây trói chân, thả vào chuồng hoặc vào lồng 2-3 giờ để gà đi lại cho máu không tụ ở chân, sau đó mới cắt tiết.
Chọn gà trống cũng là một lựa chọn cả về thực tiễn và tinh thần: gà trống to hơn, nặng cân hơn, thịt nhiều và ngon hơn, hình thức sặc sỡ và đẹp hơn. Đồng thời, dùng gà trống ít ảnh hưởng đến sinh sản bầy đàn hơn.
Cách buộc gà cúng
Buộc gà lễ đẹp không khó, nhưng để có được gà lên dáng đẹp, không bị nát hay xước da, bạn cần chú ý:
- Đối với những người mới học cách buộc gà lễ thì nên ưu tiên thử những dáng đơn giản nhất như gà quỳ, gà bay. Khi quen tay mới dần chuyển sang làm gà cánh tiên, gà chầu.
- Mặc dù đã dùng dây cố định nhưng khi luộc nhưng vẫn phải thường xuyên kiểm tra xem dáng gà có bị lệch và cần chỉnh sửa gì thêm không. Nếu gà bị tuột dây hoặc méo mó thì phải chỉnh lại ngay rồi mới luộc tiếp.
- Dây buộc gà phải chắc chắn và không buộc quá nhiều dây để tránh trong quá trình luộc bị mất dáng của gà.
- Da gà sau khi luộc rất mỏng, do đó cần thật cẩn thận và nhẹ nhàng khi buộc dây, không nên buộc quá chặt nếu không khi luộc, da gà sẽ bị nứt da hoặc bị in dấu dây lên không còn đẹp mắt.
Cách luộc gà cúng ngon và giữ được dáng ban đầu
Các bước luộc gà để có được một con gà cúng đẹp đúng chuẩn:
- Chọn nồi sâu lòng, loại nồi to rộng để trọn được nguyên con gà chín đều.
Nấu nồi nước xâm xấp đủ ngập gà, lần lượt cho vào các nguyên liệu làm thơm nước dùng như hành, tỏi, sả, ớt tùy theo sở thích của mỗi người. Nhờ đó, nước luộc gà sẽ thơm hơn, không có mùi tanh của gà. - Cho gà vào khi nước còn lạnh, đun gà chín đều từ ngoài vào trong. Không được đổ nước nóng hoặc nước sôi vào gà ngay. Nhiều người có thói quen đun nước thật sôi rồi thả gà vào, làm như vậy da gà dễ bị vỡ rất xấu.
- Khi gà chín (dung tăm nhỏ xiên vào đùi gà, nếu mềm và chảy nướ ctrong là gà chín) thì tắt bếp, tiếp tục để gà trên bếp 10 đến 15 phút, rồi mới vớt gà ra nhúng vào nước lạnh để da gà giòn ngon hơn.
- Tùy vào gà to hay nhỏ, béo hay gầy, có già không thì thời gian luộc là tương đối khác nhau. Tuy nhiên luộc nhanh trung bình thì mất khoảng 30 phút.
Ngoài ra, cách mổ gà cúng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình luộc để có thể giữ được dáng của gà. Có hai cách mổ gà là mổ moi và mổ phanh. Gà để cúng thường moi vì sau khi luộc, gà sẽ đẹp hơn. Mổ xong rửa sạch, để khử mùi hôi, xát muối xung quanh thân và bên trong bụng gà sau đó rửa lại với nước. Để gà khi luộc không bị tụt da, chặt rời phân chân gà bên dưới phần khuỷu chân để khi luộc da gà co lại sẽ không bị rách.
Tạo màu vàng bóng cho gà cúng
Để đĩa gà luộc trông đẹp và bắt mắt hơn rất đơn giản. Sử dụng mỡ gà cho vào chảo thắng đến khi mỡ chảy ra thì thêm bột nghệ vào đảo đều. Khi hỗn hợp này sôi hòa tan thì tắt bếp để nguội. Dùng cọ quét hỗn hợp lên da gà để trông được vàng óng và căng mượt.
Đặt gà cúng trên bàn thờ quay hướng nào?
Khi cúng lễ thì nên để nguyên cả con gà trống vừa đẹp mắt, vừa nghiêm cẩn. Thường thì đặt gà cúng giao thừa sẽ có những điểm khác so với cách đặt gà cúng gia tiên.
Hướng đặt gà cúng giao thừa
Khi chuẩn bị mâm cỗ giao thừa cần đặt gà cúng lên đĩa to, tháo dây buộc (nếu có). Bày gà ngay ngắn trên đĩa, tiết lòng đặt dưới bụng gà, mỏ ngậm bông hoa hồng đỏ. Điều quan trọng nhất là phải đặt đầu gà quay ra đường để đón quan Hành khiển cai quan năm mới đi qua, cách đặt gà cúng như vậy còn có ý nghĩa gọi mặt trời chiếu vào nhà mình.
Theo quan niệm dân gian thì mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom việc hạ giới. Cúng Giao thừa là tiễn đưa quan quân cai quản năm cũ và đón quan quân cai quản năm mới, mang thêm nhiều tài lộc vào nhà.
Xem thêm: Thắp hương giao thừa
Hướng đặt gà cúng gia tiên
Khi đặt gà cúng trên bàn thờ nên quay đầu gà hướng về bát hương với tư thế được gọi là “con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu” tức là há miệng, chân quỳ và cánh duỗi ra tự nhiên. Một số gia đình quan niệm khác là cúng đầu gà quay hướng ra ngoài. Khi gà quay đầu ra ngoài sẽ đẹp hơn khi quay đầu về bát hương nhưng cách đặt gà cúng như vậy chỉ đẹp mắt về hình thức chứ không đẹp về ý nghĩa tâm linh và sự thành kính.
Tuy nhiên việc đặt gà cúng quay đầu vào trong hay quay ra ngoài không quan trọng. Bởi lẽ trong văn hóa thờ cúng thần linh từ xưa người ta chỉ thờ một miếng thịt hoặc một mâm trái cây là đủ, chỉ khi cuộc sống đã đầy đủ hơn thì người ta mới cúng cả con gà.
Xem thêm: Các loại hoa quả nên và không nên thắp hương trên bàn thờ.
Phong tục cúng gà của một số dân tộc Việt Nam
Mặc dù hầu hết các dân tộc Việt Nam đều lựa chọn gà trống trong cúng lễ tổ tiên, song mỗi nơi lại có những cách thức khác nhau:
- Đầu năm, những người dân tộc Tày thường đặt gà trống cúng trước bàn thờ, cắt tiết, thả ra xem lúc giãy chết đầu gà sẽ quay về hướng nào để đoán định công việc làm ăn trong năm. Nếu lúc giãy chết đầu gà quay về nơi thờ hoặc buồng ngủ thì năm đó gia đình sẽ làm ăn phát đạt. Nếu đầu gà quay ra cửa thì năm đó làm ăn khó khăn, hao tiền tốn của. Họ sẽ bắt con gà khác cúng lại, nếu vẫn như thế thì phải mời thầy cúng về hóa giải.
- Người H’Mông trắng (ở Hà Giang) trong các lễ cúng chữa bệnh của thầy pháp dùng một con gà còn sống để cúng. Họ thường cầm con gà trống, một bó lá thơm và một cái chổi huơ vào những nơi cần làm sạch con bệnh như trong bếp, buồng ngủ với ý nghĩa xua đi các tà khí. Hoặc trong nghi lễ lên đồng chữa bệnh (dòng đồng phù thủy) cũng hay dùng gà đen để cúng thần hồ.
- Hay trong phong tục thờ cúng tổ tiên của người La Hủ (vùng Tây Bắc), trong một năm họ cúng tổ tiên 4 lần, lễ vật cúng tổ tiên gồm có, một con gà trống, hai bát gạo, hai chén rượu, một bát thịt và vài củ gừng. Sau khi luộc chín con gà, người ta dọn lễ vật ra một cái mâm đặt ở đầu giường ngủ của gia chủ. Đặc biệt, tại những cột ma nhà (tên gọi địa phương), họ đặt những cành cây còn tươi tốt lá, ở thân cành cây, người ta khắc 9 rãnh sâu vừa phải với khoảng cách đều nhau, rồi gài lông cánh của con gà đã mổ để cúng tế tổ tiên vào đó. Theo quan niệm dân gian, đó chính là bậc cầu thang bằng lông gà cho tổ tiên về ăn lộc, phù hộ cho con cháu. Toàn bộ số lông đuôi gà và số lông cánh còn lại của con gà sẽ được buộc giắt lên cây cột thiêng.
Văn hóa thờ cúng gà của các dân tộc Việt ở mỗi nơi mỗi khác. Qua đó có thể thấy được sự phong phú, vẻ đẹp rực rỡ muôn màu trong bản sắc văn hóa và truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. Tháp Long Thọ hi vọng bài viết này có thể giúp bạn đọc hiểu thêm về cách bày cúng gà trong các dịp Lễ, Tết!